Thursday, January 3, 2013

TẠI SAO XÃ HỘI SUY ĐỒI...




Bài viết trình bày vài ý kiến cá nhân, không nhất thiết là mọi người dân Mỹ sẽ đồng ý với quan điểm của người viết. Tuy nhiên, dù chỉ là một ý kiến rất cá nhân nhưng cũng thể hiện sự quan tâm về một đề tài rất thời sự.

Những năm đầu thập niên 80 lần đầu tiên tôi viếng thăm quận Cam California. Lúc ấy tôi đã chứng kiến những vụ săn đuổi Vietnamese gangster trong vùng Little Saigon, những cuộc đuổi xe trên xa lộ giữa cảnh sát và dân Việt bất chính là những cảnh thông thường xảy ra trong cộng đồng người Việt thời ấy. Nhưng những năm sau đó chính phủ Mỹ đã thành công áp dụng những biện pháp kỷ luật chặt chẽ đối với người Việt quận Cam và những thảm họa giết chóc bằng súng đạn giảm đi rõ rệt. Nhưng những thảm cảnh giết chóc bằng súng đạn và tệ nạn homeless (vô gia cư) càng ngày càng gia tăng trên đất Mỹ, tại sao thế!

Tôi còn nhớ tháng 3 năm 1987 lần đầu tiên tổng thống Nga Mikhail Gorbachev viếng thăm Hoa Kỳ, lần thứ ba trong bốn buổi họp Thượng Đỉnh giữa hai quốc gia về việc loại bỏ vũ khí nguyên tử. Ông được tổng thống Mỹ Ronald Reagan đưa đi thăm viếng đời sống tiêu biểu của những công dân Mỹ mà ông tự hào rằng đây là một quốc gia trù phú sung túc và có tự do nhân quyền cao nhất thế giới. Ông Gorbachev phản ứng lại bằng một ý kiến rất đơn giản như sau:”đồng ý với tổng thống Mỹ, xứ ông là một xứ sở trù phú và văn minh nhất thế giới. Nhưng ông đừng quên rằng xứ ông là một xứ kém an ninh, tệ nạn xã hội và tỉ lệ vô gia cư cao nhất thế giới”….

Kinh tế nước Mỹ đang suy trầm, nỗi lo này thoáng hiện trên từng khuôn mặt đăm chiêu của những người lái xe. Hai tay họ đang ghì vào tay lái mặc dù xe đang đứng yên chờ đèn. Tay họ giữ chắc vào tay lái như để bớt đi những cảm xúc, những lo lắng dồn dập trong lòng, khi chủ hảng cắt bớt công việc hay từng đợt, những công ty to lớn trong vùng đóng cửa. Silicon Valley từng là vùng 'đất hứa' của điện tử với trữ lượng đầu tư về công nghệ cao lẫy lừng thế giới. Một vùng kỹ nghệ từng vang danh một thời vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20; hay đúng hơn vào giữa thập niện 1990s. Rồi thuở 'vàng son' của nó, của Silicon Valley coi bộ khó lấy lại khi những tập đoàn về ngành điện tử bỏ đi tiểu bang khác hay thi đua nhau đầu tư nước ngoài nhất là Châu Á - những vùng hứa hẹn cho công ăn việc làm từ nguồn nhân công quá rẻ; từ đó họ mới sống còn trong thị trường kinh tế tự do nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!. Rồi tiếp đến hình ảnh rõ nét nhất cho đà suy trầm kinh tế khó phục hồi là hình bóng những người Homeless xuất hiện càng lúc càng nhiều trong thành phố và nhất là tại các ngả rẽ hay giao lộ lớn. Thời buổi kinh tế xuống, lòng từ tâm coi bộ cũng "xuống theo". Một dòng xe hơn mười mấy chiếc vẫn đứng yên chờ đèn, vẫn không mảy may ngó đến người ăn xin đang tiếp tục đi xuống đi lên, khuôn mặt ông không nhăn nhó kêu xin. Trong 'cabine' xe, khuôn mặt những người lái xe vẫn bất động thản nhiên; hay cố 'làm vẻ thản nhiên' không ai hiểu được? Còn không lòng bất nhẫn, thương hại, hay thánh thiện hơn nữa là tình thương trong họ?

Theo thống kê thì chỉ riêng thành phố Chicago có hơn 500 án mạng sát nhân mỗi năm vì tranh chấp bằng súng đạn. Kỷ lục cao nhất là vào năm 2008, khi đó có đến 512 người bị sát hại trong thành phố. Với việc một người đàn ông bị bắn chết hôm 27/12/2012, Cảnh Sát thành phố Chicago hôm thứ sáu 28/12 loan báo cái chết này là lần sát nhân thứ 500 của Chicago trong năm 2012. Cảnh sát Chicago cho biết nạn nhân thứ 499 là một người đàn ông bị bắn đến 4 phát vào mặt và vào ngực ở khu Southwest Side và cũng đã thiệt mạng. Ông này tên Frederico Martinez, 32 tuổi, bị giết không xa nhà của mình.

Làn sóng tội ác này khiến dư luận ở Chicago không thể im lặng mãi. Robert Grider, một cư dân thành phố, cho biết: “Dĩ nhiên là không có phép màu rồi, đây là vấn đề của dân chúng và khu phố phải biết tự bảo vệ mà thôi”. Nghe sơ qua thì cảm thấy đáng thương cho người dân Mỹ quá.

Ngày thứ Sáu 20 tháng 7 năm 2012, Phim Batman “The Dark Knight Rises” (Kỵ sĩ xuất hiện trong đêm) được trình chiếu khắp nước Mỹ. Đây là bộ phim cuối trong bộ phim 3 tập về Batman mà 2 phim đầu đã gặt hái thành công quá sức tưởng tượng vì phim hay và có nhiều cảnh sống động, hấp dẫn. Tại vùng Aurora, Colorado, khán giả nối đuôi nhau vào rạp để xem cuốn phim hay và hấp dẫn này như bao nhiều khán giả ở những tiểu bang khác trên đất Mỹ. Đây là một loại giải trí cuối tuần quen thuộc dành cho nhiều gia đình người Mỹ. Khoảng chừng gần 30 phút quá nửa đêm, một người bận áo giáp, đội mũ sắt, mang súng lẻn vào rạp chiếu bóng. Hắn ta quăng 2 trái lựu đạn khói vào hàng ghế đầu của khán giả và sau đó bắn xối xả vào đám khán giả đang ngồi coi phim. Số người thương vong được ghi nhận sau này là có ít nhất 12 người chết và 58 người bị thương.

Chuyện nổ súng ở rạp hát này xảy ra chỉ cách trường trung học Columbine ở Littleton năm 1999, chỉ có 20 dặm là nơi mà 2 học sinh của trường đã dùng súng bắn chết 12 học sinh và một giáo sư. Cả hai đều dùng súng tự sát sau đó.
Tháng 1 năm 2011, bà dân biểu Gabrielle Giffords ở Tucson bị một tên điên khùng bắn vào đầu. Bà sống sót nhưng trở thành phế nhân. Bà từ chức dân biểu và về sống cuộc sống thường nhật, không còn hoạt động chính trị nữa. Sau khi bị bắn vào đầu, dù được chữa trị, bà cử động chậm chạp và trí óc không còn nhạy bén sắc sảo như ngày xưa nữa. Quốc Hội Mỹ cũng không có biện pháp chế tài nào về chuyện bán súng đạn dù một thành viên của Quốc Hội như Dân Biểu Giffords bị một tên điên khùng bắn. Tên này bắn tất cả 18 người, có 6 người chết trong đó có một thẩm phán liên bang. Súng đạn trong vụ giết người thảm khốc này được tên điên khùng này mua hợp pháp ở tiệm bán súng trong vùng.
Cũng nên nhắc lại chuyện một sinh viên Nam Hàn năm 2007 đã nổ súng giết 32 người và làm bị thương 17 người taị Đại học Virginia Tech, được coi là vụ thảm sát vì súng có nhiều người chết nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay. Phải nhớ rằng súng đạn dùng trong vụ thảm sát này được tên sinh viên Nam Hàn mua hợp pháp.

Chiều thứ ba ngày 11 tháng 12 trong lúc mọi người chen chúc mua sắm trong dịp lễ lộc cuối năm tại một trung tâm mua bán ở Portland Oregon, một tay súng đã giết chết 2 người rồi tự sát. Có một phụ nữ khác bị thương rất nặng.
Trung tâm Clackamas Town Center ở ngoại ô Happy Valley của thành phố Portland đã chứng kiến cảnh nhiều ngàn người kinh hoàng chạy túa ra, trong lúc cảnh sát và cứu hỏa ập đến. Người đinh ninh rằng có thể đây là vụ tàn sát tập thể sau cùng của năm 2012, một năm đầy dẫy những vụ tương tự, kể cả vụ 12 người bị bắn chết và 58 người khác bị thương trong một rạp hát ở Colorado khi đang chiếu bộ phim “The Dark Knight Rises”.
Vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook – Newtown Connecticut (theo Reuters).

Sau ngày bầu cử tổng thống chỉ có vài tuần tức ngày thứ sáu 14 tháng 12, 2012 thủ phạm của vụ thảm sát này tên Adam Lanza, 20 tuổi. Hung thủ cùng với người anh trai tên Rayan sống với mẹ là một giáo viên. Sáng thứ sáu, Adam Lanza bắt đầu ngày đẫm máu bằng phát súng giết người mẹ của mình. Sau đó Adam trang bị ba khẩu súng, do người mẹ mua một cách hợp pháp, đến ngôi trường Sandy Hook của mẹ anh. Khẩu tiểu liên để lại trong xe, Adam cầm hai khẩu súng ngắn tấn công hai lớp học cạnh cổng ra vào, hạ sát 20 học sinh và 6 người lớn trong đó có bà hiệu trưởng và một cố vấn tâm lý trẻ em. Cô Nanci Wallenta, khi đưa hộ con trai một người bạn đến trường, nói vụ việc đã qua và cô không lo lắng về tình hình an ninh hiện tại. “Đây chỉ là một bi kịch riêng lẻ. Bạn không thể cả đời sống trong lo âu hay sợ hãi. Chúng ta là một thị trấn mạnh mẽ”.

Điều số 2 trong Hiến pháp Mỹ cho phép người dân võ trang súng đạn để phòng thân và bảo vệ quốc gia. Quyền căn bản này đã bị giới sản xuất vũ khí và truyền thống của dân Mỹ làm cho không thể lay chuyển được.Vụ thảm sát ở Newtown, giết chết 20 học sinh và 7 người lớn kể cả hung thủ, làm nổi dậy làn sóng chống việc buôn bán vũ khí tự do. Nhưng từ hành pháp đến lập pháp dường như không hội đủ nghị lực chính trị. Tổng thống Barack Obama đã rơi nước mắt khi hay tin 20 học sinh tử vong trước họng súng của một thanh niên 20 tuổi trong vụ thảm sát tại thành phố Newtown, bang Connecticut,  vào ngày thứ sáu vừa qua 14/12/2012, một tuần lễ trước khi các học sinh bãi trường chào đón lễ Giáng Sinh.

Thị trưởng New York, ông Michael Bloomberg lập tức kêu gọi lãnh đạo Nhà trắng nhanh chóng « đưa một dự luật cấm vũ khí » đến Quốc hội. Tuy nhiên, công luận Mỹ không đồng thuận tăng cường luật định giới hạn việc mua bán vũ khí cá nhân tại một quốc gia có 300 triệu dân nhưng có gần 200 triệu khẩu súng tại gia.

Phe chống tu chính hiến pháp viện cớ quyền tự vệ, bảo vệ gia đình là một quyền thiêng liêng. Thêm vào đó, kỹ nghệ chế tạo súng đạn sử dụng mọi hình thức vận động hành lang gây sức ép khiến cho nhiều đời tổng thống Mỹ như Bill Clinton và Barack Obama hiện nay phải do dự.
Theo Reuters, động cơ dự báo sự thay đổi lớn trong tổ chức vận động hành lang về súng ống lớn nhất nước Mỹ. Sau nhiều ngày im lặng từ khi xảy ra thảm kịch xả súng ở Trường tiểu học Sandy Hook, Hãng tin Reuters ngày 19-12 cho biết Hiệp hội súng trường Mỹ (NRA – National Rifle Association) lên tiếng muốn góp sức để ngăn chặn không tái diễn những vụ xả súng tương tự.
Hiệp hội súng trường quốc gia có 4 triệu thành viên là các ông bố, bà mẹ và chúng tôi vô cùng kinh hoàng, đau lòng khi hay tin về vụ thảm sát vô nhân tính ở Newtown” - thông báo của NRA viết. Theo tổ chức này, việc giữ im lặng trong thời gian qua là một hành động mang tính tôn trọng gia đình của các nạn nhân. NRA sẽ tổ chức một buổi họp báo chính thức vào cuối tuần này để thông tin cụ thể hơn.

“NRA sẵn sàng góp sức để bảo đảm những bi kịch này sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa” - thông báo viết. Tuy nhiên, người phát ngôn của NRA từ chối trả lời Reuters về chi tiết những hành động mà tổ chức này dự định thực hiện. NRA là một trong những nhóm vận động hành lang lớn mạnh nhất nước Mỹ. Tổ chức này sử dụng thế mạnh chính trị của mình để thúc giục các nghị sĩ ở quốc hội và từng bang nới lỏng kiểm soát việc mua bán và sở hữu súng ống trên toàn nước Mỹ, trong khi cổ động các hình thức săn bắn và môn thể thao liên quan đến súng. Trong nhiều thập kỷ qua, NRA luôn phản đối mọi luật hoặc quy định kiểm soát súng ống cấp quốc gia hoặc ở các bang. Nền tảng lập luận của tổ chức này dựa trên Tu chính án thứ 2 trong Hiến pháp Mỹ quy định về quyền sở hữu súng.

Sau vụ xả súng ở trường tiểu học Sandy Hook, NRA chịu nhiều áp lực từ xã hội, thậm chí cả sức ép từ những nghị sĩ liên minh với hiệp hội như thượng nghị sĩ bang Tây Virginia Joe Manchin.

Sáng sớm ngày 25 tháng 12 sau Noel trong thị trấn Webster tiểu bang New York lại xảy ra một bi kịch xả súng mới. Lửa bốc lên ngùn ngụt từ một ngôi nhà. Những xe cứu hỏa chạy đến hiện trường để dâp tắt lửa. Họ không ngờ rằng có một tay súng đang mai phục sẵn ở đó. Hắn bắn 4 lính cứu hỏa, hai người chết tại chỗ. Sát thủ tên Williams Spengler sau đó đã kê súng vào đầu tự sát. Người em gái cùng với hắn hiện mất tích. Các nhà điều tra chưa xác định được động cơ của vụ bắn giết này.

Theo thống kê Hoa Kỳ thì loại vũ khí cá nhân là phương tiện được sử dụng để gây ra cái chết cho 31.000 người trong năm 2009 không kể 18.000 vụ tự tử.
Theo thiện ý của người viết những yếu tố sau đây gây nên những tệ nạn xã hội bên Mỹ càng ngày càng leo thang:
1.   Việc thuận tiện và dễ dàng mua bán súng ống bừa bãi. Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có những tệ nạn xã hội như cướp bóc, ăn xin trên vĩa hè, nạn thất nghiệp vì khủng hoảng kinh tế, ma túy, v.v… nhưng ở mức độ kiểm soát có nghĩa là chúng ta thỉnh thoảng nghe thoáng qua như một tên khùng bắn đám đông trong một công viên mùa hè năm 2011 bên NaUy chứ không phải thông thường hàng tuần đều diễn ra trên đất Mỹ trù phú này.  Reuters cho biết sau vụ ám sát ở Sandy Hook thị trấn Newtown, tổng thống Barack Obama đã chỉ định Phó tổng thống Joe Biden chủ trì hoạt động giữa các cơ quan chính phủ để nghiên cứu biện pháp giải quyết nạn bạo lực súng đạn. Đảng Cộng Hòa của ông Romney được nhiều nhà đạo đức tán dương vì chủ trương cấm phá thai. Nhưng rồi cũng chính đảng này là đảng ủng hộ mạnh mẽ chuyện bán súng đạn cho dân chúng ở Mỹ, gây ra biết bao chết chóc thương vong cho người dân Mỹ nên chủ trương cấm phá thai của đảng này cũng chẳng có đẹp đẽ, tốt lành gì. Có thể nói đó là một thứ đạo đức giả mà thôi. Tổng thống Obama thì lên tiếng có phần mạnh mẽ hơn trong chuyện hạn chế súng. Ông nói, “ Có nhiều người sở hữu súng đồng ý rằng loại súng AK- 47s chỉ nên ở trong tay binh lính mà không nên lọt vào tay những tên tội phạm - loại súng này thuộc về chiến trường trong chiến tranh chứ không nên có trên những đường phố của chúng ta”. Ông kêu gọi tái thiết lập sự ngăn cấm bán vũ khí tấn công (the Assault Weapons Ban).
2.   Ông TT Obama cũng đồng tình với những sự khó khăn về chính trị trong chuyện kiểm soát súng, ông cũng tự cho mình là người tin vào quyền cá nhân tự trang bị vũ khí và thừa nhận rằng nhưng lời kêu gọi hành động sau một biến cố giết người như tại Newtown và Aurora thường chìm lỉm, mờ nhạt theo thời gian.

Ông nói tiếp, “Khi một biến cố gây cực kỳ xúc động như những chuyện vừa xảy ra tháng 12 năm 2012, luôn luôn có lời kêu gọi khẩn thiết phải hành động. Và rồi những nỗ lực hành động ấy bị chính trị và những người vận đông (lobby) đánh bại và bởi sự lôi kéo sự chú ý của chúng ta vào nơi khác.
3.   Văn hóa Mỹ cũng đóng góp phần nào vào những việc gây ra tệ nạn giết chóc. Chúng ta đồng ý là kỹ nghệ điện tử Hoa Kỳ được xếp hạng cao nhất thế giới. Nghành điện ảnh Hollowood không ngừng tay cho ra hàng loạt phim táo bạo vũ phu như Batman, Dark Night, Skyline, The Good the Bad and the Ugly, Die Hard, Men In Black, vv…Những cảnh giết chóc bằng súng đạn trong phim xảy ra liên tục không ngừng. Tuổi trẻ bắc Mỹ đang say mê và quen dần những hành động táo bạo bắn giết trên màn ảnh cũng như trên máy vi tính, PS và Wii games. Hình ảnh anh hùng bạo lực, vũ phu và giết chóc gieo vào đầu giới trẻ. Những hiện tượng gangster Việt Nam giảm đi rõ rệt từ nhiều niên kỷ qua nhường lại cho những vụ nổ súng giết người từ những giống dân Mỹ khác chứng tỏ dân Việt, mặc dù những năm 75 có nhiều thành phần tạp nhạp được chính phủ Mỹ cho nhập tịch. Nhưng dần dà rồi dân Việt cố gắng cần cù làm ăn để cải thiện đời sống của họ và để trở thành những công dân Mỹ tốt hơn. Điều này chứng tỏ rằng sự hòa bình trả lại cho vùng Little Saigon, chấm dứt những vụ giết chóc bằng vũ khí.
4.   Một xã hội đa chủng quốc như xã hội Hoa Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì an ninh cũng như việc kiểm soát súng đạn trên thị trường như quan điểm của TT Obama. Ông Obama cho biết “Tôi tin rằng đa số những người sở hữu súng đều đồng ý là chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để ngăn chặn những tên tội phạm và những tên đang đào tẩu pháp luật không được mua vũ khí; chúng ta phải kiểm tra hồ sơ lý lịch cá nhân trước khi chúng mua súng; phải làm sao để một người có tâm thần bất ổn không được đụng tới súng.”
5.   Vai trò tôn giáo ảnh hưởng phần nào đến đạo đức con người. Người Á châu đa số theo đạo Phật. Họ rất tin tưởng vào luật Nhân quả. Làm ác sẽ phải chịu hậu quả về sau. Trong khi những tôn giáo khác thì quan tâm nhiều vào cách sống tốt với người chung quanh hơn. Thực ra đồng hương Việt bên Mỹ cũng không quan tâm lắm vào những vụ giết chóc bằng súng đạn. Dân ta cho rằng “để ý làm gì mấy thằng Mỹ khùng đó, lâu nay mình đã nghe những việc này nhiều rồi cảm thấy nhàm tai…Tụi nó bắn Mỹ trắng Mỹ đen chứ có mắc mớ gì đến dân Việt mình đâu mà sợ nào”.  Đặt trường hợp con hay cháu mình là một trong những nạn nhân của những cuộc thảm sát ở Newtown hay Aurora thì bạn nghĩ sao nhỉ!. Tôi có bạn bè và bà con cư ngụ khu Mỹ đen nghèo ở Philadelphia. Khi tôi đến thăm và hỏi “gia đình mình không sợ bị kỳ thị chủng tộc sao mà ở khu này vậy”. Anh bạn trả lời “khi mình sống tốt và hội nhập vào xã hội của họ thì việc kỳ thị hầu như không có và ngược lại họ sống rất chân tình và dễ thương nữa là đàng khác”.  Thực vậy vì tính tình dân giao chỉ mình hiền hậu hay nhượng bộ và không khiêu khích như dân Mỹ hay Mỹ Latin vì thế anh bạn và bà con sống mấy chục năm nay trong khu nghèo da đen mà vẫn hòa đồng vào cộng đồng người Mỹ và yên ổn làm ăn không hề có chuyện tệ nạn giết chóc xảy ra.

Xã hội Mỹ tiến triển nhanh về mọi lãnh vực – vi tính điện tử, kỹ nghệ phim ảnh Hollywood, âm nhạc, văn học, giáo dục và nghệ thuật, vũ khí, vv…  Nhưng ngược lại người dân vẫn còn hồi họp sống trong lo sợ vì đời sống kém an ninh. Dân Canada sống cận xứ Hoa Kỳ nhưng là một giống dân yêu chuộng hòa bình. Người ta ước lượng rằng cứ trên một ngàn gia đình Gia Nã Đại mới có một người sắm vũ khí như những thành phần mafia, giới buôn ma túy, người đi săn hay nhân viên an ninh trong khi bên Hoa Kỳ cứ mỗi 3 gia đình thì có một khẩu súng. Vì sao phải cần súng để tự vệ trong một đất nước hòa bình văn minh và tân tiến nhỉ, phải chăng đấy là dấu hiệu của một xã hội suy đồi chính quyền bất lực không có khả năng bảo đảm sự an toàn cho người dân và người dân phải tự bảo vệ lấy cái sống của họ. Những ngày sắp tới sẽ là một thử thách lớn lao và lịch sữ cho nhiệm kỳ thứ hai của vị TT Hoa Kỳ. Nếu ông TT Obama thành công trong việc cấm dùng súng automatic thì tệ nạn giết người sẽ giảm đi phân nửa và tên ông sẽ được ghi nhớ mãi, được biết ơn trong lòng mọi người dân Hoa Kỳ.

 Phúc Nguyễn