Tuesday, January 8, 2013

NỖI LÒNG KHÓ QUÊN



Có những đêm Trực đặt tay lên trán suy nghĩ thì đêm như dài ra vô tận. Khi cuộc sống trở nên đầy đủ về vật chất, con người lại bận lòng vì những mối quan tâm khác. Đấy có thể là những nỗi đau về tinh thần, nỗi buồn về tình cảm. Trong những đêm ấy Trực chợt nhận ra mỗi người chỉ có duy nhất một trái tim, duy nhất một tâm hồn, một tấm lòng nhưng lại chất chứa quá nhiều tình cảm, yêu thương và đong đầy cảm xúc. Và chỉ cần một tì vết sẽ khắc sâu lại vết thương mà có cố tìm quên cũng thật khó khăn vì tất cả đã bị tổn thương mất rồi. Trực từng đọc được ở một cuốn sách đại ý nói thế này: "Cuộc đời cũng giống như một quyển sách, khi bạn đang đọc ở trang thứ nhất thì trang thứ hai, thứ ba... đã được viết ra rồi". Thế thì, cuộc đời của mỗi người sẽ như một định mệnh đã được dọn sẵn, ta chỉ cần sống cho trọn cuộc đời mình. Vậy những điều ta hàng đêm phải suy nghĩ có là dư thừa không? Sao ta không mặc nhiên cho chuyện gì ngày mai đến rồi cũng sẽ đến. Dù mỗi con người được sinh ra mang bản tính riêng, cộng với hiện tại cuộc sống khiến họ đầy những mối lo toan.

Có một quyển sách mang tên Quẳng gánh lo đi mà vui sống. Mấy ai có thể làm được điều đó trong cuộc sống vốn dĩ nhiều thăng trầm và từng cá thể chịu nhiều ảnh hưởng tác động bên ngoài này? Và thế nên tư thế nằm vắt tay lên trán sẽ mãi hiện diện như một tiềm năng vô thức của mỗi người. Có chăng là ta cần dần tập cách sống lạc quan, quên đi quá khứ, suy nghĩ theo chiều hướng tiến tới cho mỗi vấn đề xảy ra trong cuộc sống.

Hãy cứ mong ước như thế, mong sao cho cuộc sống của chúng ta sẽ bớt đi những điều phiền muộn, bớt đi những buổi đêm trằn trọc suy nghĩ và mỗi người sẽ được tận hưởng những món quà tự nhiên mà cuộc sống ban tặng. Ấy là một ngày mới tràn trề năng lực để sống vui, để làm việc tốt và đêm về tận hưởng những giấc ngủ thật sâu không mộng mị.

Ngày mai, rồi mặt trời sẽ vẫn chiếu sáng, hoa vẫn nở, chim vẫn hót, cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục và sẽ tốt đẹp hơn nếu như tất cả chúng ta đều mang một trái tim tràn đầy yêu thương và nhân ái.

Cả đêm nằm suy nghĩ, cuối cùng thì cũng hiểu ra dạo này tâm trạng Trực hay buồn vì điều gì. Không phải buồn bực vì chuyện gia đình, không phải cái buồn chán nản trong công việc, cũng càng không phải vì chuyện tình cảm. Cái buồn này kèm theo chút gì đó có ít mùi vị của sự vầy vò lương tâm vô hạn mà không thể tiết lộ cùng ai.

Thật ra, Trực đã gần 60 tuổi đời, vốn có đời sống tạm ổn định trên quê hương thứ hai này, có gia đình và con cái thành công. Nhưng sao trong thâm tâm Trực vẫn chưa thấy an bình. Nhiều khi, thấy nhiều người viết, bàn về vấn đề này, vấn đề kia, những công việc to tát lớn lao, nhưng lại quên đi mất những kiếp người khó khăn về mặt tinh thần, những phận người nhỏ bé trong cuộc sống, những nỗi oan trái trong đời thường. Những nỗi đau đó, nhưng sự kiện nhỏ bé đó, nhanh chóng bị thời gian chôn vùi đi, và người ta dần quên lãng chúng. Nhưng những nỗi oan khuất, khổ đau đó có khi lại đeo theo một số người trong cả cuộc đời họ.

Gần đây Trực hay viết, hay ngồi mần mò đọc tin tức, rồi dần dần, cái ma lực của văn chương nó cứ cuốn lấy Trực từ bao giờ không biết. Nhiều người nghĩ rằng những bài viết của Trực không phải anh viết, Trực hiểu được suy nghĩ đó, tại vì thật ra đến giờ này, chính Trực cũng không thể tin mình lại có thể viết được như vậy. Ngày còn học trung học, Trực không thích lắm văn chương, Trực ghét cái khuôn khổ mà cứ phải buộc mình tuân theo nó để có thể đạt điểm cao, cho nên Trực đã chọn cho mình con đường kỹ thuật. Chính vì vậy mà cách hành văn của Trực thường bị lủng củng, sai nhiều lổi chính tả, chữ nghĩa thì loạn nhịp cả lên.

Rồi cũng không biết từ lúc nào, Trực cứ viết, cứ viết... viết để trút hết ra nỗi uất ức, viết để san sẻ buồn phiền, viết vì Trực không thể chịu nổi khi những cảm xúc cứ dồn nén, ứ đọng trong đầu óc mình.

Và bài đầu tiên mà Trực thực sự viết bằng cả lòng mình có lẽ là "Hồi tưởng lại tình bạn thời trung học”. Trong lúc say nắng, giữa trời hè oi ả, nước mắt Trực tự nhiên rơi xuống bàn giấy.

Một điều kì lạ là văn chương thường hay không đọng lại trong đầu óc Trực, mỗi khi viết xong bài nào đó thì khi rời khỏi máy tính, Trực có thể quên sạch những thứ mình đã viết. Nhưng trong tĩnh lặng một mình thì nguồn cảm xúc cứ ùa vào đầu óc. Trực thích viết theo cảm xúc và giờ thì Trực cảm thấy rằng mình thích viết văn mặc dù Trực có thể viết sai tiếng Việt. Vì bây giờ đây, Trực không còn cần phải viết theo bài văn mẫu như những ngày còn đi học.

Sau khi trúng tuyển tú tài 2 năm 73, gia đình Trực thúc dục anh nộp đơn đi du học Canada. Trong lúc chờ đợi bộ Nội Vụ xét đơn Trực nộp đơn thi vào đại học Phú Thọ, đại học sư phạm kỹ thuật Thủ Đức và Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Gia đình Trực đề nghị lên Đà Lạt học tạm và sống cho quen với khí hậu lạnh trước khi sang Canada. Thế là Trực khăn gối lên đường bắt đầu cuộc sống sinh viên đại học. Trực thuê nhà trọ gần chợ Hoà Bình. Ăn uống khá tiện lợi vì gần giữa phố chính Đà Lạt. Thành phố sương mù lành lạnh rất nên thơ nhưng không thiếu sự lãng mạn của nó. Khi nói về Đà Lạt người ta liên tưởng ngay đến hồ Xuân hương, hồ Than thở, đồi thông hai mộ, thác Cam Ly, vườn hoa Đà Lạt, v.v.v… Từ trường đại học về nhà trọ cũng không xa lắm. Trực vẫn thích bách bộ trên đường đến trường để có dịp ngắm nhìn những nữ sinh Bùi Thị Xuân với tà áo dài màu áo thiên thanh, má ửng hồng, áo đan khép nép trông càng trữ tình. Xa xa, hàng hàng lớp lớp sinh viên sỹ quan Đà Lạt oai nghiêm trong bộ đồng phục trắng đi dạo trên đồi thông Đà Lạt. Trực có quen vài anh bạn học chung với anh cả Trực đang học ở trường Vỏ Bị Quốc Gia Đà Lạt TVBQGĐL. Làm sao quên được những buổi chiều, ngồi nhìn mặt hồ than thở trong xanh, phẳng lặng, thú vị hơn là thưởng ngoạn những dòng nước trắng xóa,  êm ả, hiền dịu, thác Cam Ly trắng xóa ào ào giữa lòng thành phố, đã làm rung động xao xuyến tâm hồn bao nhà thơ, nhạc sĩ. Xung quanh thác Cam Ly là những anh chàng cho thuê ngựa... giống như những chàng cao bồi Mễ Tây Cơ... Đà Lạt có những chiều cuối tuần xuôi ngược, nôn nao tìm về một điểm hẹn hò, một giây phút gần gũi yêu thương, hay ngỡ ngàng trước một lời giã biệt. Đà Lạt bây giờ chỉ còn những nhạt nhòa, lãng đãng trong tận cùng trí nhớ. Hồ Than Thở, rừng Ái Ân, vườn Bích Câu, đồi Kỳ Ngộ. Cô sinh viên Đại Học Chính Trị Kinh Doanh hay chàng trai Võ Bị Đà Lạt. Chiều tím hay thung lũng hồng. Những thoáng ngất ngây nhìn "mắt em dìu dịu buồn Tây phương" hay mấy lần lạc loài nhìn lại "phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn..."

Kỷ niệm Đà Lạt là nơi ghi dấu bao mối tình, cuộc hẹn hò thơ mộng, và cũng là điểm khởi đầu của …một tình yêu chăng?. Bác sĩ Yersin người khai sinh nó khi tạo dựng nên thành phố lý tưởng này, cũng đã ngán ngẩm một câu chuyện tình của chính mình. Chuyện tình giết người trong mộng bên hồ Than Thở. Đà Lạt trở thành nơi diễm tình cho khách lãng du khắp bốn phương trời. Không thể nào và không bao giờ đánh mất thành phố thần kỳ nầy trong niềm thương, nỗi nhớ.

Sau buổi học về môn kinh tế cô bạn sinh viên tên Ngân, gái Nha Trang gốc Bắc ngồi cạnh Trực đến hỏi:
‘’Ngân đến lớp trễ hôm nay nên không ghi chép hết note, anh có thể cho Ngân mượn notes của anh nhé.’’
‘’Ok sẵn sàng’’ Trực trả lời.

Từ dạo đó Ngân tìm cách cùng đi học và về chung nhà trọ vì ở cùng đường với Trực. Hai người đi học và về nhà như bạn đồng môn, Trực không nghĩ ngợi gì, vì dầu sao cả hai người cũng là dân tứ xứ không bà con dòng họ ở địa phương cho nên trao đổi qua lại cho đỡ buồn thì cũng không có gì là quá đáng. Quen cô Ngân được vài tuần rồi trở thành thói quen, sáng nào Ngân cũng chờ anh trước cửa nhà trọ để cùng đến trường, nhiều khi anh cố ý ra cửa sau nhà trọ để tránh gặp mặt Ngân. Nhưng sự việc không xảy ra dễ dàng như dự định. Thỉnh thoảng cuối tuần Ngân đến mời Trực đi dạo bờ hồ Xuân Hương hoặc đi ăn chè Việt Hưng, nơi đó họ thường ngồi lặng hàng giờ nhìn ra khu phố chính của thành phố ngắm tà áo bay của các cô gái Đà Lạt... Lúc đầu vì nể tình đồng môn nên Trực chấp nhận lời mời để đi thăm mọi nơi cho biết Đà Lạt thơ mộng đến độ nào…Đà Lạt xứ sở của các đôi tình nhân, lòng Trực lúc nào cũng bâng khuâng mỗi khi nhìn hàng thông xanh rì thẳng tắp, hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt, những ngôi  nhà biệt thự mang dáng dấp kiến trúc Pháp xưa, những liếp ngô, cải vườn cà phê, dâu... phủ lên cho đồi núi thêm một màu xanh của sự sống. Nhìn xung quanh như đang đi giữa Châu Âu là mơ ước của sinh viên Việt Nam lúc đó.

Đến thứ sáu cuối tuần thứ 4, nhân dịp đi dạo từ trường về nhà trọ, Ngân nói khẻ vào tai Trực:
“Ngân sẽ về Nha Trang Noel này thăm bố mẹ, Ngân mời anh đi cùng thể để ra mắt bố mẹ được không?”
Trực giựt mình về lời đề nghị bất ngờ ấy và trả lời bâng quơ rằng:
Để Trực xem lại rồi trả lời Ngân sau nhé.”. Nét mặt Ngân có vẻ buồn buồn vì câu trả lời hơi thờ ơ của anh, chắc có lẽ Ngân đoán được phần nào mối tình cảm của Trực dành cho cô.

Vài ngày sau đó, Trực được tin thi đậu Cán sự Phú Thọ và sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, cái tin cũng không làm Trực bồi hồi cho lắm vì anh chỉ mong tin của bộ Nội Vụ chấp nhận cho du học mới là việc đáng trông chờ.

Rồi qua tuần lễ thứ 5 tức đầu tháng 11, anh của Trực điện thoại lên Đà Lạt cho biết là hồ sơ du học của Trực đã được bộ Nội Vụ chấp nhận và anh phải thu xếp về gấp để lo giấy tờ bổ túc như hộ chiếu, giấy chấp nhập đại học bên Canada, v.v…

Trực không có can đảm đến nhà trọ của Ngân để từ giã cô ấy. Anh nghĩ cô ấy sẽ rất thất vọng khi không còn nhìn thấy anh để cùng mỗi sáng đến đại học Đà Lạt với cô nữa. Nếu Ngân đọc được những ký ức này thì Trực thật tình xin lỗi Ngân về việc bỏ đi mà không một lời từ biệt với cô ấy…

Cuối tháng 11 năm 73 Trực lại phải hành trang lên đường để du học sang Canada, bồi hồi bỏ lại tất cả những kỷ niệm êm đềm của tuổi thanh niên, kể cả Hoàng và Viết T. Hai cô bạn gái thời trung học vừa quen một ít lâu mà Trực nghĩ có quá ít thời gian để hiểu nhau.

Trực đến thăm hai cô bạn gái ở quê lần cuối cùng trước khi khăn gói lên đường. Gặp nhau họ vẫn bình thản trò chuyện dông dài, nào hỏi thăm về việc ăn học ở Đà Lạt như thế nào, dự định tương lai sẽ làm gì, v.v.v… nhưng anh còn ngại ngùng chưa dám thố lộ với mấy cô bạn chuyện đi du học. Tính Trực rất dè dặt, anh chỉ báo tin một chuyện gì khi biết chắc chắn là việc ấy sẽ xảy ra. Nhà Hoàng ở đối diện nhà thương tỉnh lỵ. Vậy mà bây giờ sao thấy nó xa thăm thẳm. Trực nhấn ga Honda vừa suy nghĩ miên man, không biết phải nói làm sao với Hoàng đây? Rồi cuộc đời sẽ ra sao? Không gặp mặt Hoàng mình sẽ ra sao và Hoàng sẽ sống ở Việt Nam ra sao? Trực cảm thấy thật chơi vơi, hình như tất cả sắp vượt khỏi suy luận của mình, không chủ động được gì hết. Khi Trực thắng xe trước cổng nhà Hoàng thì vừa gặp tôi đã hỏi ngay:
“Trực mới đi Đà Lạt giữa tháng 9 mà bây giờ mới tháng 11 đã về như vậy chắc là có chuyện gì không ổn đây”. Trực nhìn quanh nhà: nhà vắng teo hình như cả nhà đếu đi vắng. Hoàng mời anh vào nhà và anh trả lời qua loa cho có lệ:
“À thì lâu lâu nhớ nhà và bạn bè về thăm có sao đâu!”
“Trực đã đi thăm Viết T chưa, chắc cô ấy trông tin lắm nhỉ”. Hoàng rặn hỏi với mục đích tìm hiểu tình cảm của Trực nghiêng về ai hơn. Cô tiếp: “Hoàng và các bạn sắp lên lớp 12 tháng 9 tới, không hiểu tại sao có nhiều bạn trai cùng lớp bỏ ra ngoài học hoặc trình diện nhập ngũ nữa...”. Mấy cô hỏi rặn. Trực im lặng trong khoảnh khắc để cố nhìn dáng dấp Hoàng, có lẽ đây là lần cuối chăng! Tóc Hoàng dài óng ánh chải ngược về phía sau để lộ khuôn mặt trắng trẻo với đôi mắt ngời tinh anh. Trực bỗng thấy không gian chìm mất mà thấy gương mặt ấy là hiện hữu, là sinh động, là rạng rỡ…Thấy vầng trán rộng, thấy đôi mày dài. Chỉ tong ngần ấy ngắn ngủi mà sao anh thâu nhận rõ các chi tiết. Phải chăng đó là hình ảnh của Hoàng mà anh muốn ghi lần cuối cùng vào tim, vào óc?. Anh vội trả lời:
“Mấy cô may là nữ sinh nên không phải tuân lệnh Tổng động viên, chứ trai tráng như chúng tôi đều tản mác khắp nơi để đối phó với lệnh TĐV ấy, có người vào quân ngũ, có người ra học thêm để thi nhảy tú tài 1, có người đi lính kiểng, Hoàng thấy khổ và thông cảm cho phận làm nam nhi không”.

Hai người hàn huyên tâm sự liên miên rồi kể chuyện ở trọ ăn học ở xứ trữ tình lãng mạn với khí hậu lạnh lẽo nhưng Trực không dám đề cập đến chuyện quen bạn gái mới tên Ngân, vì nghĩ các cô sẽ hiểu lầm về mình… Nhưng chuyện đi du học thì Trực sao dấu mãi với mấy cô được. Nhìn thấy Hoàng vui vẻ hỏi chuyện anh không nở mở miệng nói lời chia tay. Cuối cùng rồi anh cũng phải bật mí chuyện đi du học trong tuần tới. Anh nói:
“Có lẽ đây là lần gặp gỡ cuối cùng Hoàng à…”
“Sao vậy, Trực vừa mới về từ Đà Lạt rồi lên trên ấy có trục trặc gì, mà là lần này là lần cuối cùng…”
“Nói thật với Hoàng, Trực có nộp hồ sơ du học Canada nhưng vì không chắc là sẽ được chấp nhận cho nên Trực chưa bao giờ mở miệng với bạn bè… Bây giờ hồ sơ du học đã được chấp nhận và Trực đang về quê để thu xếp hành trang và từ giã mọi người để lên đường đây. Bây giờ còn đây với nhau chớ lát nữa đây, rồi ngày mai, rồi mãi mãi sẽ không có dịp gặp nhau nữa”
“À như thế thì quá tốt chứ sao có vẻ buồn thế và tương lai sẽ rạng rỡ ra đấy nhé”
“Không hẳn như thế đâu Hoàng ơi”
“Sao vậy?”
“Hoàng biết đó, gia đình Trực đâu có khá giả gì. Gia đình mình đâu phải là con ông cháu cha cũng không phải là đại gia triệu phú. Nuôi mình ăn học ở đại học Đà Lạt hay Phú Thọ là đã quá tốn kém. Bây giờ sang Canada tốn kém ấy sẽ tăng gấp 10 lần. Trực không muốn vì mình mà cả nhà với 9 anh em thắt lưng buột bụng để dành dụm nuôi cho Trực ăn học ở Canada. Trực thuyết phục Cha mẹ cố gắng gom góp đủ tiền để mua được cái vé cho Trực đến được Canada rồi phần còn lại Trực sẽ tự lo lấy. Trực thừa biết là mình sẽ phải đương đầu với nột cuộc sống mới đầy khó khăn và thử thách ở xứ người, không một người thân không cha mẹ ngày đêm chăm sóc, việc ăn học cũng như sức khỏe, v.v.v…. Cha mẹ nghe lời giải thích tạm ổn nhưng vẫn lo lắng cho đứa con vừa mới đầy 18 tuổi mà một mai này phải xa Cha Mẹ để tự túc nơi xứ lạ quê người, sẽ ăn ở và sinh sống ra sao. Ở tình huống ấy Hoàng sẽ rất hiểu trường hợp phiêu lưu của Trực đấy...”.

“Thôi mình tạm chia tay ở đây và Trực nhớ gửi thơ thường xuyên để tâm sự và chia sẻ với mình về cuộc sống lăn lộn nơi xứ người, vui cũng như buồn thành công cũng như thất bại nhé. Chúc Trực đi đường thượng lộ bình an và gặt hái được nhiều may mắn”.

Yên lặng, Hoàng rơm rớm nước mắt, Trực lặng lẽ ngoảnh mặt bỏ đi trong chốc lát để khỏi thấy cảnh phải chia tay lần cuối ấy, lòng buồn rười rượi để lại mối tình đầu đời chưa nói thành câu…” Trực đi đường bình an, nhớ gửi thơ cho mình nhé…”
Ngày đưa tiễn Trực ra phi trường Tân Sơn Nhất thật đơn giản chỉ có cha mẹ, anh cả và ba anh bạn của ông anh - Trần Hán Lén, một anh bạn học đại học Minh Đức và anh Phước đến dự. Buổi chia tay của Trực sao mà buồn thế trong khi những gia đình giàu có Sàigòn thì là một họp mặt chuyện trò vui vẻ xem như là những cuộc đoàn tụ anh em ở hải ngoại sắp tới.

Cái ngày mà Trực rời bỏ quê hương qua xứ Canada lạnh lẽo thật đặc biệt. Hôm ấy trời rất lạnh cứ như là trời đang khóc thay cho anh vậy...Rồi khi đặt chân lên đến đây thì nỗi nhớ quê nhà càng trỗi dậy trong anh. Trực tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, một lần nữa ngày đầu tiên đi học cũng là một ngày khó quên.

Ngoài việc học và làm việc part-time, mỗi tối thứ năm, thứ sáu và cuối tuần để kiếm tiền ăn học anh du học sinh không còn gì thú bằng là ngồi rung đùi nghe nhạc Trịnh Côn Sơn với Khánh Ly, nhạc Hoàng Thi Thơ với  Sơn Ca và nhạc Phạm Duy với giọng ca truyền cảm của Lệ Thu mỗi khi xong cơm chiều. Nếu chịu khó hơn nữa thì lội bộ sang câu lạc bộ công viên đại học để xem tivi, nhất là từ đầu tháng 3 năm 1975 bạn bè Trực rủ nhau bách bộ mỗi tối đến campus trường để xem tình hình chiến cuộc Việt Nam…. Trực nhớ mỗi khi đi học về là anh ùa đến thùng thơ để xem thơ người thân và bạn gái từ Việt Nam gửi qua như những trẻ thơ trông quà của mẹ mỗi khi mẹ đi chợ về. Đấy là niềm vui duy nhất của đời sinh viên du học thời ấy…Ngày đó không có Nintendo, computer game hay PS3 để khây khỏa như ngày nay. Trao đổi thư từ mất rất nhiều thì giờ chứ không như ngày nay với Yahoo Messenger, Skype, Facebook, cellular phone vv chỉ cần vài giây thì đã nói chuyện trực tiếp với bạn bè thân thuộc. Từ tháng 11 năm 73 đến tháng 3 năm 75 Trực và Hoàng vẫn liên lạc với nhau qua thư từ. Kể cho nhau nghe những vui buồn cũng như những sự khó khăn trong cuộc sống, việc học hành nơi xứ lạ quê người… Rồi chuyện tình cảm của Trực và Hoàng cũng tiến xa hơn trong mối tình thật trong sáng và học trò…

Tháng 3 năm 75 Trực nhận bức thư cuối cùng của Hoàng. Anh trả lời và tâm sự rằng « có lẽ đây là bức thư cuối cùng Hoàng ạ. Trực không biết Hoàng nghĩ thế nào về tình cảm của hai ta. Trực không dám hứa hẹn lung tung. Nếu chuyện gì xảy ra Trực chỉ xin ơn trên phù hộ cho Hoàng và gia đình luôn được bình an ». Anh không biết Hoàng có nhận được bức thư cuối cùng ấy chăng !… Rồi biến cố tháng 4 năm 75 lại đến, hai người mất liên lạc với nhau… Rồi ngóng tin người bạn trai du học mười mấy năm vẫn bặt tin và cuối cùng rồi Hoàng lập gia đình ở Việt nam.
Đến năm 92 Hoàng và gia đình được người anh bảo lãnh sang sống bên miền Tây Hoa kỳ với ước mong con cái sau này có đời sống tốt hơn hai vợ chồng.

Sang Hoa kỳ Hoàng đã gần 40 tuổi, không còn thời gian để trở lại nhà trường  nên Hoàng chỉ lo toan đi làm để đỡ gánh nặng gia đình và lo cho con cái ăn học. Cuộc sống cho là tạm ổn. Thời gian lặng lẽ trôi qua cho đến năm 2011.

Thắm thoát Trực đã rời quê hương gần 40 năm rồi. Năm ngoái nhân đi dự đám cưới của con trai một đồng môn thời trung học bên Texas, Trực tình cờ được ngồi chung bàn với Hoàng. Nhìn lại Hoàng sau bấy nhiêu năm xa cách mà lòng Trực nặng trĩu khi thấy cô bạn gái ngày nào mà ngày nay thay đổi quá nhiều với thời gian. Anh không chịu đựng được nỗi lòng.
-        Hoàng và gia đình vẫn khỏe chứ !
-        Cám ơn Trực. Hoàng trả lời một cách miễn cưỡng.
Trong tiệc cưới mọi người vui vẻ chuyện trò nhưng họ có hiểu đâu một nỗi lòng cắn rứt mà Trực không thể hiện trên khuôn mặt. Lúc nào anh cũng tỏ ra kín đáo, lúc vui lúc buồn vì một niềm hối hận khôn nguôi.  Trong lúc mặt chạm mặt Trực không thể thốt nên lời để hỏi han cặn kẽ cuộc sống bấy nhiêu năm nay của cô bạn gái ở hải ngoại.
Trước khi chia tay về Canada Trực điện thoại cho Hoàng để chia sẻ nỗi niềm của mình.
-        Xin lỗi Hoàng khi gặp mặt nhau không hiểu sao lòng tôi hiện lên một nỗi buồn vô tả. Trực cảm thấy buồn cho cô bạn thân thời trung học xinh xắn một thời mà ngày nay đời sống cực khổ làm đổi thay hình dáng ấy làm Trực không chịu nỗi trong khi Trực sống ấm êm bên cạnh gia đình mới.
-        Cám ơn lời thương hại của Trực nhưng Hoàng sống rất hạnh phúc bên chồng và con. Trực đừng bận tâm. Trực không có lỗi gì cả. Hoàng tự nhũ với lòng là sẽ chôn đi mối tình đầu xuống tận đáy lòng. Mình quên đi ngày xưa nhé để sống cho tương lai và cho con cái chúng ta. Chẳng qua chúng ta có duyên mà không có nợ. Thôi thì mình làm bạn tri kỷ vậy. Hoàng buồn buồn và tự ái trả lời…

Từ ngày đó Trực lúc nào cũng bức rức trong lương tâm. Nếu không có biến cố tháng tư năm 75 có lẽ cuộc sống của Hoàng không đến nỗi như thế...

Trong tình cảm lại càng phức tạp hơn nhiều, cho tới bây giờ Trực vẫn chưa thể tìm được một người khác để chia sẻ với mình một nỗi lòng mỗi khi ngồi một mình trầm lặng.

Nguyễn Hồng Phúc
Montreal Jan 2013