Cảm nghiệm đầu tiên của tuổi già là nhớ thì ít mà quên thì nhiều. Thế nên con cháu bắt đầu chê mình là "ông già lẩm cẩm!". Rõ ràng cái người đứng trước mặt mình là người mình gặp hàng ngày, hàng tuần, mà sao tự nhiên mình quên hẳn tên của họ. Tìm moi óc mãi vẫn không nhớ ra…
Bà xã vừa ở trên nhà xuống dưới bếp định lấy cái gì, mà khi tới bếp lại quên bẵng đi, không biết đến đó làm gì. Đứng một hồi mới nhớ được: “À, thì ra định xuống bếp lấy cái ly uống nước!”. Rõ ràng tay đang cầm chùm chìa khóa. Thế mà cứ lồng lộn đi tìm chìa khóa!. Rõ là mình đã già…
Giới trẻ không thích người già nói chuyện đâu đâu, vì mình có cái tật nói đi nói lại một sự kiện tới 3, 4 lần. Vừa nói rồi mà tưởng chưa nói, lặp đi lặp lại, khiến cho người nghe phát ngán. Mà chính mình thì không biết như vậy. Ngay trong việc sở. Mỗi khi ai hỏi mình một đề tài, tôi trả lời ít nhất hai lần để make sure là đối tác hiểu tường tận. Đồng nghiệp vội trả lời “hiểu rồi ông bạn ạ, đừng lập lại nhiều lần…”. Ngày xưa lúc còn trẻ, kể chuyện gì thì ngắn gọn, đâu ra đó. Còn bây giờ, nói vòng vo Tam quốc, nói mãi mà chưa vào đề, khiến con cái sinh ra bực mình:
- Ba muốn nói gì thì nói toẹt ra đi. Ba nói vòng vo hoài, con chẳng hiểu gì cả!
- Tao là ba mày. Tao nói tiếng Việt chứ tiếng gì mà mày không hiểu.
Và thế là ba con đi vào chỗ cãi lộn với nhau, chẳng ra cái thể thống gì cả! Thì ra mình đã già và lẩm cẩm.
Tuổi già lẩm cẩm mà lại hay quên mới chết. Mà đã quên thì xin quên luôn cả những giận hờn thù ghét trong quá khứ. Ấy thế nhưng, có những vấn đề không đáng nhớ thì lại nhớ dai vô chừng. Những chuyện ngày xưa, bạn bè mất lòng nhau, giận hờn nhau thì lại không quên được. Vậy thì thưa quý vị, “già sinh tật, đất sinh cỏ”. Ở tuổi già, những điều đáng nhớ thì lại quên, mà những điều đáng quên thì lại nhớ. Chúng ta phải nhất quyết quên đi những hận thù quá khứ, để tuổi già chúng ta được bình an thư thái. Ông ba vợ tôi ngày xưa làm chức cao trong quân đội, ra trường sỹ quan sau ông Thiệu 6 khóa. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ông giải ngủ và làm nhà thầu xây dựng. Mỗi khi hop mặt con cháu đầy đủ, ông kể lại tường tận chuyện quá khứ huy hoàng của ông. Nào ông đưa gia đình 17 người con ra đi trót lọt hồi tháng 4 năm 75 không thiếu một chi tiết nhỏ nào. Chuyện ông hối lộ tướng Trần Văn Đôn lúc ông làm thầu xây dựng, v.v….Nhưng những chuyện gần đây ông lại quên bẵng. Mỗi khi gặp con cháu ông cứ hỏi một câu hỏi “cháu học xong đại học chưa?”. Mà mọi người biết chắc là thằng cháu đã ra trường hơn bốn năm và đang đi làm và cứ mỗi lần gặp cháu là ông cụ cứ hỏi cùng câu hỏi.
Khi còn trẻ mỗi sáng vào đến sở gặp ai cũng chào “chào anh, chào cô chào bà…”. Bây giờ mỗi sáng vào sở thì lầm lì bước chân vội vã đi lấy tách càfé ngấm ngé cho tỉnh ngủ. Mặt nhăn nhó vì chuyện bực mình trong nhà hôm qua cũng như trong sở, quên mất là có sự hiện diện của đồng nghiệp. Đến khi anh đồng nghiệp chào “good morning”, “what is up today…”. Lúc đó mình mới mở miệng chào “ chào anh…”. Già hơi khó chịu.
Bất lực là tình trạng không còn khả năng sức lực để làm những công việc bình thường mình vẫn làm. Có chân đó, nhưng chân không đủ sức để di chuyển thân xác từ chỗ này đến chỗ kia. Có tay đó, nhưng tay không còn khả năng cầm giữ một vật gì cho chắc. Có tai đó, mà có khi người ta hét bên tai cũng không nghe thấy gì. Có mắt đó, mà không còn xác định được người hay vật ngay trước mặt mình. Đó là tình trạng bất lực. Ngày xưa chúng tôi vẫn ở cùng căn nhà này và mỗi tuần cắt cỏ sân trước sân sau không có vấn đề gì. Hai mươi lăm năm sau, chỉ cần cắt cỏ xong sân trước thì người đã mệt nhoài. Bỏ cái máy cắt cỏ ngoài vườn, vào nhà lục tục lấy chai bia lạnh ra ngồi trên ghế nằm ngữa lên trời. Làm một hơi trọn chay bia. Nằm vắt cẳng lên trời, mắt lim dim ngủ. Sau một tiếng đồng hồ tôi lại lồm chồm ngồi dậy để tiếp tục cắt sân sau cho xong. Già rồi mệt quá.
Mỗi khi ra đường để đi bộ, ta hay nhìn xuống mặt đường vì sợ vấp phải vật gì làm té gảy xương. Với tuổi già một vết thương nặng vì tai nạn sẽ khó lòng lành lặng như hồi còn trẻ. Anh Giao bạn thân tôi vừa đi grocery xong, thủng thẳng đi ra ngoài parking để lấy xe về nhà. Anh không để ý vì lẩm bẩm đếm đồ dùng có đủ không, nếu không bà xã sẽ lầu bầu trong khi đó có chiếc xe đang tiến đến và anh vẫn không để ý. Xe đụng anh gãy chân. Anh Giao phải vào nằm viện 2 tuần và xin nghỉ phép hai tháng vì tai nạn nghề nghiệp. Già rồi lơ đãng.
Nếu đem so sánh hình ảnh một em bé mới sinh ra với một cụ già thập tử nhất sinh, người ta thấy khác nhau một trời một vực. Em bé như chiếc bông hoa xinh tươi mới nở. Còn cụ già như chiếc hoa héo tàn. Một triết gia đã khuyên chúng ta rằng: “Bạn phải làm sao để khi vừa sinh ra thiên hạ cười trong lúc bạn khóc, nhưng khi bạn chết thì thiên hạ khóc trong lúc bạn cười.”
Tuy nhiên, trong cái khác biệt già trẻ đó, tôi vẫn thấy có những điểm tương đồng rất ngộ nghĩnh:
Một bé thơ không thể tự ăn uống được và thức ăn phải là đồ lỏng. Một cụ già ăn uống cũng phải có người đút và cụ cũng không thể ăn thức ăn cứng được nữa.
Một em bé cần phải mặc tã thì một cụ già cũng cần phải mang cái thứ đó khi không còn khả năng kiềm chế bộ phận tiểu tiện của mình.
Một em bé ăn rồi lại nhắm mắt ngủ li bì thì một cụ già cũng y hệt như vậy.
Một em bé trước khi biết đi thì phải biết bò, di chuyển bằng 2 chân và 2 tay. Còn một cụ già sau khi đi đứng mấy chục năm thì lại cần thêm cái gậy cho đủ 3 chân. Có khi cụ phải đi bằng cái xe 4 chân, vị chi là cụ có tới 6 chân lận! Một em bé thường hay hờn hay dỗi, có khi còn giả vờ đau đớn để được mẹ vỗ về an ủi. Các cụ đến tuổi về già tính nết cũng y hệt như vậy, động một tí là hờn là dỗi, bỏ cơm không chịu ăn, bắt cụ bà năn nỉ muốn đứt hơi mới chịu ăn trở lại. Có những cụ đau yếu được các con thay phiên săn sóc. Hôm nào đứa con khó tính coi cụ thì cụ vào khuôn vào phép, chẳng dám kêu ca, bảo ăn là ăn, bảo uống là uống, không thở dài thở ngắn. Còn hôm nào gặp cô con gái có tính nuông chiều một tí là y như thể ra mặt nhõng nhẹo, giận hờn, đòi này đòi kia đủ thứ, hỏi gì cũng chỉ nhắm mắt, không thèm trả lời, ra điều mệt mỏi lắm.
Mỗi độ hè về các anh em bên bà xã tôi đều về tụ hợp đông đủ. Phân nửa gia đình về xum tụ từ Mỹ. Ông bố và bà mẹ vợ rất sung sướng vào những dịp hiếm có này. Nhưng cũng là lúc ông bà làm nũng với con cháu. Bà chị họ ở Montreal mời tất cả gia đình và dòng họ, hơn 50 người đến dự ăn tối. Ông bố vợ tôi gọi phone yêu cầu bà chị họ làm buổi ăn trưa vì ông tuổi đã trên tám mươi sức khỏe và mắt yếu nên không tiện ăn tối. Hôm tiệc đến chúng tôi chờ mãi vẫn không thấy mặt ông. Bà chị họ phải đổi bửa ăn cũng vì lời yêu cầu của ông. Thế mà hôm đó ông không đến, mọi người tỏ ra thất vọng. Sau này tôi mới biết là ông làm nũng muốn con cái phải tự lái xe đến mời ông thì ông mới đi. Người già rất cần sự quan tâm của con cái…
Tuổi già gắn liền với bệnh tật. Phật giáo nói rằng trên đời có 4 cái khổ: Sinh, Lão, Bệnh,Tử. Nhưng thực ra có Lão thì tất nhiên có Bệnh và rồi dẫn tới Tử. Khi phải đối diện với đau khổ, con người cố gắng tìm cách xa lánh nó, hoặc có tôn giáo dạy cách diệt trừ nó. Nhưng hỏi rằng xưa nay đã có ai trên đời diệt được Sinh, Lão, Bệnh,Tử chưa?
Cách đây 5 năm tôi thường bắt xe bus đi làm mỗi sáng sớm ở đầu đường, không xa nhà tôi lắm . Bà hàng xóm, tuổi độ 60 vừa dọn về cùng xóm với tôi, bà cũng đi cùng chuyến xe bus với tôi. Thỉnh thoảng tôi bắt chuyện với bà, hỏi han cuộc sống gia đình bà. Tôi mới biết là chồng bà lớn hơn bà 5 tuổi đang về hưu. Đứng chờ xe bus bênh cạnh nhà bà thấy vườn tược xung quanh tươm tất và sạch sẽ, thấy mà ham. Vì chồng bà hằng ngày chăm sóc từng li từng tí. Cách đây một tháng tôi tình cờ đi xe đạp ngang nhà bà, sau khi ăn tối xong thì thấy ông đang đi xe lăn. Tôi ngừng lại gợi chuyện và thăm hỏi chia buồn cùng bà. Bà cho biết là ông bị tai biến mạch nảo cách đây vài tháng và từ đó ông phải đi xe lăn…Thật tội nghiệp, cuộc đời quá đổi ngắn ngủi, mới đó ông hàng xóm còn làm việc hùng hục ở nhà bây giờ ra thế đó.
Cảm nghiệm cuối cùng của tuổi già là hay tủi thân và sợ cô đơn. Tại sao lại hay tủi thân? Vì lúc trước mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, cái gì mình cũng tự làm được. Nay tuổi già sức yếu, làm không được nữa thì phải nhờ con cháu. Mà nhờ vả chúng nó thì nó không chịu làm hoặc nếu có làm thì làm một cách miễn cưỡng, lại còn la mắng mình. Ngày xưa mình lái xe chở con đi học bao nhiêu năm trời. Nay mình không lái xe được nữa, nhờ con cháu chở đi nhà thờ đi chùa hay đi shopping thì chúng nó nói ở nhà tu thân tâm cũng đủ rồi, việc gì phải đến nhà thờ hay chùa chiền hoặc shopping dạo này không có sale hấp dẫn. Thế là tủi thân. Buồn ơi là buồn! Tình trạng này chắc chắn phải xảy đến, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ được. Chúng ta phải nghĩ tới, phải chuẩn bị, để có một ngày, một ngày không xa, chúng ta phải đương đầu với nó. Tôi nhấn mạnh, chúng ta không thể trốn tránh nó được, nhưng phải chuẩn bị để đương đầu với nó. Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có biết bao nhiêu biến cố tôi nghĩ còn khó khăn, kinh khủng hơn cái cảnh tuổi già buồn tủi và cô đơn này, có những nơi chúng ta đã sinh sống còn khiếp đảm hơn các Viện Dưỡng Lão nhiều, mà chúng ta đã vượt qua được tất cả. Vậy thì với niềm tin cậy vững chắc, chúng ta hãy vì thương con cháu không nên làm phiền con cháu nhiều hơn vì chúng cũng có gia đình và cuộc sống riêng tư. Một ngày nào đó khi chúng ta thấy viện Dưỡng Lão là nơi thích hợp cho tuổi già chúng ta thì hãy tình nguyện chọn nơi đó để sống những ngày cuối đời.
Có lẽ có một chút gì đó tương tự theo tôi về sự chia sẻ tuổi già: đó chính là sự hy sinh. Tôi cảm thấy trong những lời nói người già luôn có một chút gì đó ngậm ngùi, nhưng điều đó không làm giảm nhẹ yếu tố rất thật của cuộc sống. Cuộc sống đòi hỏi phải hy sinh không ngừng. Bậc làm cha làm mẹ phải hy sinh cho con cái và sẽ không ngừng hy sinh cho chúng cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Nhiều người không sợ hy sinh, nhưng họ sợ không ai (con cháu) nhận ra sự hy sinh đó và rồi cuối cùng họ sẽ trở về với sự quên lãng. Tuy nhiên, nó sẽ được giải quyết bằng niềm hy vọng và tin tưởng vào cuộc sống đời sau. Nơi đó không có sự hy sinh nào là vô nghĩa cả…
Phúc Nguyễn
Phúc Nguyễn