Monday, January 2, 2012

CÁNH DIỀU VÚT BAY


Khi còn bé chúng tôi sống trong những làng nhỏ không có đồ chơi điện tử ngày nay như computer games, iPhone, iPod, ipad  hay PS3. Chúng tôi phải tụ họp thành nhiều nhóm con trai để chế đồ chơi như súng, tên và diều làm bằng gỗ hay dây kẽm bao thùng đạn chiến tranh, v.v…. Chế được con diều đã là niềm hảnh diện của một đứa con trai. Nếu làm cho diều bay được lên không gian là một sự thành công mỹ mãn rồi…
Diều đã xuất hiện hơn 2800 năm bên Trung Quốc và được làm bằng vải lụa hàng hải hay lụa chắc tốt cho việc bay và thân tre cho dẻo dai. Theo hai nhà nghiên cứu về diều – Clive Hart và Tal Streeter cho biết là diều đã được sáng chế xưa hơn thời đó bằng chứng là bên Indo người ta còn thấy dấu vết bức họa diều trên đảo Muna ngoài khơi Sulawesi. Trong khi đó theo 2 nhà triết học Mozi và Lu Ban thì diều là sự phát minh nổi tiếng ở thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên. Những cánh diều bằng giấy đầu tiên được bay năm 549 trước Công nguyên trong những điệp vụ mang tín hiệu cấp cứu. Ít nhất con người đã thả diều từ hơn 2000 năm trước cho tới nay người ta khó xác định chính xác nguồn gốc của diều. Vì thời đó diều được làm bằng giấy và lụa nên không còn tồn tại cho việc khẳng định xuất xứ của nó.  Vì thế, những nhà nghiên cứu phải dựa vào truyền thuyết, tranh vẽ và tài liệu ít ỏi để ghi lại lịch sử của diều. Theo truyền thuyết thì diều được thả bên Trung Quốc hơn 2800 năm trước. Những tài liệu TQ cổ xưa miêu tả diều được dùng trong chiến tranh năm 200 trước Công nguyên khi tướng đời Hán dùng diều để ước lượng khoảng cách đến pháo đài địch quân và sau đó ông ta cho lệnh đào đường hầm phá các thành trì. Một tướng lãnh khác của nhà Hán cũng nói là đã thả hàng trăm con diều tre đơn giản trên doanh trại quân thù để tạo ra tiếng động gây hoảng loạn quân thù vì chúng cho rằng âm thanh này như tiếng ma quỉ dấy lên. Những truyền thuyết khác cho rằng quân TQ thả diều có mang theo pháo bông nổ để doạ quân địch. Trong khi đó, nguồn tài liệu cổ xưa của TQ và Nhật miêu tả những cánh diều lớn được dùng để đo khoảng cách, đoán chiều gió, mang thám tử lên không gian, gửi tín hiệu để liên lạc trong quân đội. Một truyền thuyết Nhật bản kể về một tên trộm tên Kakinoki Kinsuke đã dùng diều để ăn trộm một bức tượng bằng vàng từ mái nhà của ngôi đền Nagoya Castle nhưng đã bị bắt và xử tội.
Những chiếc diều đầu tiên có hình vuông và dẹp. Diều được chế bằng nhiều màu và hình ảnh phản ảnh văn hóa từng dân tộc và thời đại, đôi khi diều được gắn thêm sáo tạo ra âm nhạc nhẹ nhàng. Sau đó diều được gắn thêm đuôi để bay vững vàng trên không trung.
Truyền thuyết diều được truyền vào Âu Châu bởi Marco Polo vào cuối thế kỷ thứ 13 và sau đó diều được đưa vào Nhật và Mã Lai ở thế kỷ thứ 16 và 17. Mặc dù lúc ấy diều chỉ được xem như một trò chơi lạ nhưng đến thế kỷ thứ 18 và 19 diều mới được dùng trong thí nghiệm khoa học. Năm 1750, ông Benjamin Franklin đề nghị thử nghiệm diều bay trong bão tố có thể lấy điện ra từ sấm sét. Người ta không rõ là việc thí nghiệm này có thành công không. Nhưng ngày 10 tháng 5 năm 1752 ông Thomas-Francois Dalibard người Pháp thử nghiệm con diều bay với dây kẻm dài 40 ft để trích điện trên mây. Từ năm 1860 đến 1910 là “thời đại vàng son của diều” vì diều được dùng nhiều trong thí nghiệm khoa học – như tiên đoán thời tiết, không gian, vô tuyến truyền thông và nhiếp ảnh. Nhưng từ khi máy bay có động cơ được phát minh thì diều mất đi vị trí độc quyền. Trong thế chiến thứ 2 diều ít được dùng trong quân sự. Và từ đó diều được chế biến cho những cuộc chơi đơn thuần mà thôi.
Diều rất phổ biến ở những quốc gia Á Châu. Nhiều quốc gia có tổ chức đua diều chiến đấu mà mục đích là để hạ gục diều đối phương xuống đất, v.v…Diều chiến đấu thường nhỏ và bằng phẳng với hình dạng kim cương để dễ điều khiển và chiến đấu.
Ở Afghanistan diều là một trò chơi thông dụng được biết với cái tên Gudiparan Bazi bên Dari.  Vài con diều chiến được gắn vào dây có nhúng chất mài (abrasive) dùng để cắt dây diều địch. Dây abrasive đôi khi có thể làm tổn thương người chơi. Thời Taliban bên Afghan thì diều bị cấm xài vì nguy hiểm.
Tại Pakistan chơi diều được gọi là Gudi-Bazi hay Patang-bazi. Mặc dù diều chỉ được dùng vào những lễ hội tôn giáo nhưng nó vẫn được dân gian thả quanh năm. Diều chiến đấu vẫn là trò chơi thú vị của dân Pakistan nhất là ở Lahore. Nhưng diều chiến được thả nhiều nhất vào mùa xuân, dân chơi diều rất thích thú khi cắt được dây diều của đối thủ, trò chơi này gọi là Paecha. Vì trò chơi này mục đích nhắm vào việc cắt dây của diều đối phương cho nên khi người ta nghe tiếng la hét “ wo kata’ vào những dịp thi đua diều này. Kẻ chiến thắng sẽ được quyền lấy con diều của đối phương.  Gần đây trò chơi này bị cấm bên Punjab vì có người lái xe motor mất mạng vì dây kẻm của diều gây nên. 
Tại nhiều nước Á Châu việc thả diều mang nhiều ý nghĩa tinh thần, nó cũng được thực hành trong các hoạt động bói toán và lễ chôn cất, đây được coi là nghi lễ thiêng liêng, thường kèm theo việc hô khẩu của người Turu Manu như:
Cánh diều của tôi, theo quyền lực của lá bùa thần hạ giới,
Trong cái liếc nhìn của ánh mắt, giống như con diều hâu dũng mảnh,
Theo lá bùa này cánh diều tôi sẽ trưởng thành bay lên,
Cánh diều của tôi bay vững vàng trên bầu trời, bên ngoài vùng nước xoáy lốc,
Giống như những vì sao Atutahi và Rehua, với không gian lan rộng theo cánh bay,
Hãy bay đến rất gần những đám mây.
Hãy thật sự là như vậy.

Ở Đại hàn các bậc cha mẹ vẫn thường thả diều sau ngày sinh của con trai để diều có thể mang đi những điều xấu ra khỏi cuộc đời của bé thơ. Những nông dân Thái Lan thường thả diều vào đầu gió mùa để cầu mong các vị thần cho gió thổi và ngăn chặn những cánh đồng của họ khỏi lũ lụt. Cũng ở Thái Lan trong những tháng mùa đông các vị sư của nhà vua sẽ thả diều dành cho vua và hoàng hậu để bảo vệ các quốc vương tránh nguy hiễm. Người ta tin rằng các nhà sư đã mang diều từ TQ đến Nhật trong thời gian giữa thế kỷ thứ 6 và 8. Người Nhật sau đó nâng cấp diều đến những đỉnh cao mới, tạo ra diều có hình thù như cá, chim và rồng. Trong mười thế kỷ tiếp theo người Nhật đã gắn diều vào tín ngưỡng. Diều đã được thả bay để cầu nguyện cho mùa bội thu và để chúc mừng cha mẹ. Thậm chí ngày nay người Nhật vẫn còn thả diều dạng cá chép để biểu dương sức mạnh và kiên cường trong ngày trẻ em mùng 5 tháng 5.
Khắp Á Châu diều được thả trong những lễ hội quan trọng và lễ kỷ niệm. Khi diều được nhập vào Ấn Độ thì dân gian dùng diều trong những trò chơi chiến đấu như Patang. Tại bắc Ấn độ những cuộc thi đua diều được tổ chức hàng năm nhân dịp lễ mùa xuân Makar Sankaranti.  Những thành phố như Vadodara, Surat và Ahmedabad là những nơi tổ chức thả diều vào giữa tháng giêng cùng với âm thanh của nhạc.
Người Việt Nam tạo ra diều có âm thanh như ý muốn. Khác với diều có đuôi diều Việt Nam vút bay trên không gian không có đuôi, được gọi là diều sáo. Có những kích thước ống sáo khác nhau cột vào diều để tạo âm thanh như chim, cồng, các dụng cụ âm nhạc. Những xóm làng bắc Việt Nam thường tổ chức các kỳ thi làm diều sáo đẹp nhất và có âm thanh hay nhất.  Bên Bali người ta đặt một cánh cung lớn vào đầu diều để tạo ra âm thanh đập đều và tại Mã Lai người ta gắn vào diều quả bầu bí nhiều lỗ để tạo ra tiếng huýt sáo khi bay lơ lững trên không gian.
Hiện nay thành phố Weifang Trung Quốc được xem như thành phố diều. Từ năm 1984 Lễ hội International Kite Festival được tổ chức hàng năm từ 20 đến 25/4 lôi kéo hàng trăm đội thả diều và hàng vạn người xem. Thành phố Weifang cũng có viện bảo tàng lớn nhất về diều, có diện tích ấn tượng 8,100 m2.

Vào ngày 27/3 Lễ hội thả diều quốc tế sẽ được tổ chức tại Vũng Tàu trong suốt 3 ngày. Các đội diều từ 7 nước đã đăng ký và người đi xem hi vọng về những cuộc thi đầy màu sắc thể hiện và phô bày lịch sử thả diều bay…
Một hoài bão trong tương lai là một ngày nào đó sẽ trở về quê hương để tìm lại cánh diều xinh xắn thời thơ ấu ngày xưa…

Phuc Nguyen