Thursday, February 2, 2012

TẾT NHÂM THÌN TRÊN QUÊ HƯƠNG…



Đã hơn chín lần về thăm quê hương nhưng tôi vẫn bồi hồi xúc động khi biết là sắp gặp lại mẹ, anh em và bà con thân thuộc…
Máy bay từ từ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc 7 giờ sáng thứ bảy 7-01. Buổi sáng, khí hậu mát dịu không oi bức lắm làm tôi thanh thản và chậm rãi bước ra ngoài phi trường Tân Sơn Nhất để chờ gia đình ra đón. Tôi kiên nhẫn đi xuyên qua dòng người đon đã đi đón bà con thân nhân ngoại quốc về VN. Tôi đến chỗ hẹn ở trụ cột số 14 chờ gia đình đến đón, vì ở đây vắng người ít xe cộ nên sẽ dễ dàng cho mọi người gặp gỡ. Đã hơn 45 phút vẫn chưa thấy tâm tích của một người thân nào. Tôi vội check lại cái email trong sách cầm tay đã gửi cho gia đình trước khi về Việt nam xem có nhầm lẫn chăng. Thật đúng là ngày hôm nay rồi nhưng sao vẫn chưa thấy ai hết mới lạ.
Tôi lôi cái iPhone4 ra thử bấm số cầm tay của cô em gái thứ năm. Loai hoai mãi vẫn chưa bắt được sóng vì số mã của điện thoại bên Việt nam hơi khác bên Canada. Cuối cùng rồi tôi cũng liên lạc được với cô em mặc dù âm thanh thật khó nghe.
“Allo Lang hả, anh đã về đến Tân Sơn Nhất hơn 1 giờ mà không thấy ai ra đón vậy?”
“Được rồi em sẽ kiểm tra lại với bác tài xế và các em và sẽ ra đón anh trong thời gian sớm nhất”
  Vừa dứt điện thoại thì em trai út của tôi đi đến chào tôi, theo sau là mẹ và các em dâu em rể. Mọi người cũng đến hơn một giờ chờ tôi nhưng họ lại đợi tôi ở quán café ở cột số 10 mới chết chứ lị. Mẹ tôi mệt mỏi trách móc các con không chịu đi kiểm tra tất cả các trụ cột của phi trường. Các em tôi cho biết vì sợ anh không rành đường ra dẫn chổ hẹn cho nên tất cả ngồi đợi gần lối ra chính cho chắc ăn không ngờ là tôi ngồi đợi xa hơn nơi cổng ra chính – cột số 6. Tôi phần mệt mỏi vì thiếu ngủ trên máy bay cộng với cái valise nặng nên lười không muốn di chuyển xa cột đang đợi. Vì thế người về cũng như người ra đón chỉ cách nhau vài cột mà đợi hơn một giờ đồng hồ. Đáng tiếc quá.
Gia đình đưa tôi về nhà riêng của cô em gái thứ năm ở quận một gần chợ Bến Thành Sài gòn. Nhà cao 10 tầng khang trang nằm giữa lòng thành phố. Trên tầng lầu thượng tôi có thể nhìn thấy rõ các tòa buildings cao của thành phố như Bitexco (68 tầng), Ngân hàng Đầu Tư Quốc tế, siêu thị Vincom  nhất là chợ Bến Thành và hai ba công trình xây cất cao ốc của Vincom, v.v…Đến trưa, em gái tôi đưa cả gia đình và mẹ tôi đi ăn trưa ở nhà hàng dim sum trong Thảo Cầm Viên, nơi hội tụ của những gia đình đại gia Sài gòn. Sau đó, bác tài Duy đưa chúng dạo một vòng thành phố trong dòng người ồ ạt hối hả chạy xe Honda chen lấn xe hơi một cách mất trật tự. Tôi được đưa đi xem đường hầm Thủ Thiêm (tunnel), đại lộ Đông Tây, vườn Tao Đàn, đường hoa Nguyễn Huệ đang thi công, v.v…Tóm lại Sài gòn ngày nay phát triển quá nhanh và hiện đại so với kỳ cuối cùng tôi về Việt nam 3 năm về trước. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy trên đường phố Sài gòn một vài chiếc Roll Roys. Xe hơi đức như Mercedes, BMW và Audi thì chạy lềnh khênh trên đường phố. Có lần tôi được thấy một chiếc Lamborghini bóng loáng chạy trên đường Đồng Khởi. Nói tóm lại tất cả xe cộ sang trọng đều có mặt ở Viêt nam.
Như đã hẹn trước với hai cô em gái về từ California và Norway chúng tôi liền book một tour đi Siem Reap cả gia đình tám người bằng máy bay vào tối thứ sáu tuần đầu. Ngay đêm hôm về Việt nam em trai tôi chở bằng Honda đi gặp khoảng 20 đồng môn Hoàng Diệu vừa từ Sóc Trăng lên mà đa số các cô cậu thuộc khóa sau chúng tôi một năm. Chỗ hẹn là quán càfé số 1 Bùi Thị Xuân. Chúng tôi giới thiệu lẫn nhau rồi sau đó, chén vào lời ra thật thân mật. Tôi gọi điện thoại cho 2 cô bạn và 2 anh bạn cùng khóa ra nhậu cho vui, nhưng tất cả đều viện lý do này hay lý do khác để từ chối và hẹn gặp lại ngày họp mặt chính thức thứ bảy ngày mai tại nhà hàng La Rose quận 10.

Sáng hôm sau có 2 cuộc họp mặt. Từ 9 giờ sáng tại Câu Lạc Bộ Thể Thao quận 6 cho Đồng Hương Sóc Trăng. Nơi đây có mặt đông đủ các tay to búa lớn như tỉnh ủy và quận ủy của Sóc Trăng và các huyện và nhiều thương gia thành công trên đất Sài thành đến họp. Nơi đây chúng tôi gặp lại anh Đoàn khóa 65-72, anh Thiên khóa 66-73 và Ngọc Dung 67-74. Sau 2 tiếng nghe tường trình về tỉnh và thưởng thức vài màn văn nghệ giúp vui chúng tôi xin cáo từ để còn kịp về nhà hàng Rose để dự họp mặt Hoàng Diệu. Anh Khánh và Thiên nhiệt tình đưa anh em chúng tôi, 7 người được sắp xếp đến ngồi rải rác ở nhiều bàn khác nhau vì chúng tôi đến hơi trễ. Buổi họp mặt được bắt đầu bằng lời giới thiệu về ý nghĩa buổi họp cũng như lịch sử trường HD. Một người trong quan khách được mời lên và cũng là cháu ba đời của tổng đốc Hoàng Diệu vào khán đài để phát biểu ý kiến.
Tay bắt mặt mừng chúng tôi được gặp lại bốn người thầy thân thiện ngày xưa như thầy Thiên, thầy Nhiều, thầy Vịnh và thầy Thọ (giám thị trường Phụ Huynh học Sinh). Tôi có mang một món quà nhỏ biếu thầy Nhiều nhưng vì có quá nhiều giáo sư ngồi chung quanh thầy nên không tiện trao. Tôi ghi vội số điện thoại của thầy để xin một cái hẹn đến gặp riêng tại nhà thầy vào một dịp khác. Sau hai giờ họp mặt bạn bè hối hả chia tay và họ không quên xin số điện thoại và gửi lời chúc tết tốt đẹp nhất đến mỗi gia đình.
Trong dịp họp mặt này anh Đoàn không quên mời tôi và các cô em gái đến dự đám cưới con trai lớn của anh vào tối thứ tư ở White Palace – một nhà hàng rất sang trọng 5-sao ở Sài gòn trước khi chúng tôi lên đường đi Cambodia. Con trai anh Đoàn cũng là du học sinh ở Montreal từ 2001-2005 về Computer engineering, cô dâu là Việt kiều Úc.
Hai ngày liên tiếp chúng tôi đi sắm sửa cho tết Nhâm Thìn ở chợ Bến Thành và An Đông. Nơi nào cũng thấy bày biện nhiều loại trái cây, hoa kiểng có hình dáng lạ để chưng trong dịp tết nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người tiêu dùng nhưng giá cả cũng đắt như vàng, thí dụ dưa và bưởi “hồ lô”, có nghĩa là trái cây được uống nắng thành hình “phúc tài” có diện mạo vuông hay hình trái bầu cua. Một cặp dưa hấu vuông giá 3 triệu đồng. Bưởi hồ lô giá 700.000 đồng/cặp. Lạ nhất thị trường tết năm nay có lẽ là loại dưa hấu hình xe ôtô Mercedes-Benz của một nhà vườn miền tây với giá bán dự kiến lên đến 10 triệu đồng/cặp. Theo người bán thì nhà vườn này chỉ sản xuất được vài cặp để thử nghiệm chưa được phổ biến trên thị trường. Xuất hiện từ tết năm trước một loại trái cây kiểng mang tên khóm(thơm) phụng với hình thù rất lạ trông tựa như con phụng được bày bán ở các chợ hoa dọc đường Phạm Ngũ Lảo. Khóm Phụng được khá nhiều khách chọn mua cho đủ mâm ngũ quả trong bộ tứ linh – Long Lân Qui Phụng. Đây là một sáng tạo mới của người Kiên Giang trong việc phát kiến ra những loại cây độc đáo cho ngày tết. Trái khóm có màu đỏ và những cái “mào” độc đáo. Thích hợp làm quà tặng hay vật trang trí trong mâm ngũ quả ngày tết. Chúng có thể chưng đến hết rằm tháng giêng. Khách chưng nguyên cây thì có thể để lâu hơn nữa. Hiện khách chuộng mua nguyên chậu vì nhìn rất sang và độc đáo. Sau mấy ngày tết, họ có thể cắt trái ra để chưng tiếp trong mâm trái cây. Chúng tôi cũng có dịp đi shopping ở các siêu-thị Tax, Lotte Mart Phú Mỹ Hưng, BigC quận 10 và CoolMart Sóc Trăng để sắm sửa quần áo và đồ ăn cho những ngày tết. Hàng tết độc năm nay cũng đã vào siêu thị. Mỗi hệ thống siêu thị như BigC có bán khoảng 10 cặp dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu vuông, bưởi hồ lô, đặc biệt có thêm dưa Hoàng Kim hồ lô.  Các tiểu thương trong chợ Bến Thành cho biết giá đặc sản của dưa hấu và bưởi “độc” quá cao nên không dám lấy nhiều hàng vì chẳng may bể thì ôm hàng thua lỗ nặng.
Tối thứ tư chúng đến dự đám cưới con trai anh Đoàn ở White Palace trên đường lên phi trường rất sang trọng. Trong nhà hàng hotel này đêm nay có 2 đám cưới cùng lúc. Người đến tham dự mặc trang phục sang trọng. Cũng nơi đây chúng tôi gặp lại vài đồng môn HD như anh Thiên, Khánh, chị Hạnh, Hoàng Yến và vài bạn trẻ đã từng du học Montreal mà tôi mới gặp lần đầu. Vì là đám cưới trong tuần nên mọi người có vẻ hối hả vì sau 2 giờ thì tất cả mọi người đã ra về sau khi chụp vài tấm lưu niệm…
Ngày thứ năm chúng tôi lái xe lên Thủ Đức để thu xếp với các sư thầy chùa Sùng Đức làm lễ thượng thọ cho mẹ chúng tôi đồng thời tôi ghé lại trường đại học sư phạm kỹ thuật Thủ Đức để đánh tennis với các giáo sư bạn hữu. Sau vài tiếng chơi tennis tôi rủ anh bạn Thân (Taberd 58-62) và người bạn mới trẻ N.X Vinh (Lasan Khánh Hưng 72-76) đi nhậu quán Bia Sài gòn ở Thủ Đức. Chúng tôi được dịp thưởng thức mấy món nhậu đặc sản của miền nam như ếch chiên bơ, gỏi ngó sen trộn với ham, và nhiều món lạ khác mà tôi quên mất phần cũng vì say ngà ngà với vài lon bia 333 chỉ biết là rất ngon và lạ miệng.
Tối thứ sáu, chúng tối lấy chuyến máy bay trực tiếp đi Siem Reap (Siem nghĩa là Thái và Reap nghĩa là đánh đuổi) hay đế Thiên đế Thích. Nơi đây thu hút rất nhiều du khách Việt cũng như ngoại quốc vì có chiều dài lịch sử khá lâu đời. Người tour guide tên Rayou – Miên gốc Việt cho biết là Siem Reap là thủ đô xưa của nhiều thời đại Khmer nhưng sau đó bị quân Thái (Siem) chiếm giữ. Lúc ấy vua Khmer dùng đế Thiên đế Thích để thờ Ấn Độ giáo. Vì thế trong đền không thờ bất cứ vị thần nào. Đến khi quân Thái đến chiếm giữ hai đền này thì các tượng Phật được đưa vào đền. Khách du lịch rất thán phục nền văn minh Khmer vì từ mấy ngàn năm trước họ đã có khả năng đem những tản đá khổng lồ lên núi để xây đền thờ vĩ đại. Tất cả những bức tường đều chạm trổ công phu và điêu luyện. Thật đáng nể…

Vài chục năm sau, có lần đền bị một trận sét đánh, vua chúa Thái nghĩ là trời phạt họ cho nên họ quyết định bỏ hoang cho đến năm 1972 tình cờ một bác sỹ người Pháp tên Henri trên đường đi tìm thuốc quí vùng này khám phá ra kho tàng quí giá Angkor Wat và Angkor Tom. Vị bác sỹ này sau đó bị mắc bệnh malaria và mất tại Nam Vang vài năm sau đó. Sau đó chính quyền Khmer tiếp tục khai thác và tân trang nâng cấp các đền. Ngày nay, Angkor Wat được công nhận như di tích lịch sử (heritage) của Unesco.  Đường đi lên núi để thăm Angkor Tom khó khăn gập ghềnh trong khi Angkor Wat khá bằng phẳng và ít bụi bặm hơn. Sau khi tham quan đế Thiên đế Thích thì đã quá trưa, đoàn tham quan đi ăn trưa ở Siem Reap. Thức ăn Khmer rất giống thức ăn Sóc Trăng cho nên rất hợp khẩu vị chúng tôi, như bún nước lèo, bánh khọt, bánh đúc, bánh canh giò heo, lẩu mắm cá prahooc, v.v.v... và rất nhiều trái cây hoa quả như saboche, dưa hấu, khóm, thăng long, mít, đu đủ và trái vải…Sau khi ăn trưa đoàn được đưa đi viếng biển hồ Campuchia (Tonlé Sap) cách Siem Reap hơn 30 km. Điểm đặc biệt của Biển hồ Campuchia là hệ thống thủy văn đổi dòng chảy hai lần mỗi năm hồ Tonlé Sap là một trong những hồ nước ngọt có hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Phù sa cùng chất bổ từ hạ lưu bồi bổ lòng hồ nên Tonle Sap có sản lượng cá lớn đáng kể trên thế giới. Ngư nghiệp trên hồ nuôi sống hơn 2 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia – mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 nước sông Mekong đổ vào hồ và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 6 nước trong hồ đổ ngược vào sông Mekong đôi khi gây ra lụt lội vùng hạ lưu sông Mekong. Cũng nhờ hồ Tonlé Sap điều tiết mà hạ lưu sông Mê Kông bớt nạn lũ lụt vào mùa mưa, và ngược lại vào mùa khô khoảng 50% lượng nước sông ở châu thổ sông Cửu Long là do hồ Tonle Sap bù vào. Quanh hồ tập trung nhiều cộng đồng người Việt và người Chăm, sinh sống tại các làng nổi bên hồ. Hơn một triệu ngư dân cư ngụ nổi trên hồ cũng như chung quanh hồ sống dựa vào đánh cá từ Biển này, tức gần 50% dân số Cambodia phụ thuộc vào nền đánh cá ở Biển hồ Tonle Sap. Không những Biển hồ Tonlé Sap là nguồn kinh tế cho cư dân Khmer mà nó giữ vai trò quan trọng trong văn hóa Ankor của họ như đua thuyền, thi đua bơi lội, v.v.v…

Đường đi đến Tonlé Sap tương đối nhỏ, bối cảnh giống đồng quê Việt nam nhưng khá tốt. Trên đường đi chúng tôi được biết trong chương trình sẽ viếng thăm làng chài Việt nam sống trên biển hồ và sẽ tham quan trường dạy học trẻ em do ông Trần Văn Tư làm thiện nguyện hơn mười năm nay để dạy cho con em biết chữ Việt.  Đa số người định cư trên biển hồ đã lâu năm từ đời này sang đời khác. Họ thích sống ở đây hơn Việt Nam vì được tự do không có một luật lệ ràng buộc nào. Ngược lại, họ cũng không được bảo vệ về mọi mặt. Vì thế họ rất nghèo chỉ làm nghề đánh cá trên biển hồ để sinh sống. Vấn đề sức khỏe thì do chính quyền Việt Nam xây bệnh viện nổi để chăm sóc miễn phí nhưng thuốc men thì chỉ nhờ vào lòng hảo tâm của du khách viếng biển hồ. Khi đến nhà nổi dạy học có trên 315 em từ 10 tuổi trở xuống chúng tôi bị vây quanh bởi các người đàn bà ôm con nít để xin tiền. Chúng tôi được tour guide báo trước là không nên cho các bà ôm con xin tiền này vì thế sẽ bắt buộc họ phải gửi con ở nhà dạy của ông Trần Văn Tư để được giáo dục tốt hơn. Trên đường trước khi đến biển hồ xe có dừng lại siêu thị, đúng ra là một cái tiệm chạp hóa để mua mì gói, bàn chải chải đánh răng, dầu gió để tặng cho các em nhà nghèo này. Du khách được mời ngồi vào bàn học các em để được ông Tư cắt nghĩa hoạt động của nhà trường từ năm 2000, thực ra đây chỉ là ba hay bốn con thuyền nổi dựng tiếp sát nhau trên biển hồ. Chúng tôi không khỏi ngặm ngùi khi nhìn cảnh cư dân nghèo lúc nhúc sinh sống chung quanh. Trường quá đơn sơ và cần rất nhiều sự giúp đở từ bên ngoài. Ông Tư đã về hưu trên mười năm nay và tình nguyện đến đây để dạy các em Việt nghèo hầu mong được biết ít chữ tiếng Việt. Quá cảm kích trước tình huống rất đáng thương và lòng quảng đại của ông Tư hầu như các du khách không những tặng quà mà còn rút trong túi ra cho tiền mặt…Theo chương trình buổi tối chúng tôi được đưa đi làm body massage và đi chợ đêm sau đó. Thật là cả một kinh doanh có tầm vóc để thu hút du khách…
Ngày chúa nhật anh em chúng tôi tháp tùng phái đoàn gồm 7 bác sỹ, 2 cô dược sỹ và trên 20 người thiện nguyện sáng sớm lên đường xuống huyện Châu Thành Sa đéc để khám bệnh nhân đức cho trên 500 bệnh nhân nghèo không có phương đi khám bác sỹ. Trưởng đoàn thiện nguyện là bác sỹ tiến sỹ Đặng Huy Phong, một con người đầy nhiệt tình và tấm lòng quảng đại. Anh cho biết là đoàn đã làm hơn 10 công tác khám bệnh nhân đức từ hơn 2 năm nay. Đoàn rất cần sự ủng hộ tài chính của các thiện nguyện viên và nhiều nhà hảo tâm để mua thuốc cho bệnh nhân sau khi khám bệnh. Bên Canada tôi đã làm thiện nguyện trên mười năm cho nên khi nghe em gái tôi đề nghị nhân dịp tôi về quê hương ăn tết cũng nên đi một lần cho biết nên tôi không do dự vội chấp nhận ngay. Tôi cũng gọi điện thoại cho vài đồng môn HD nhưng tất cả đều từ chối khéo, viện cớ thế này thế nọ… Đây là kinh nghiệm thiện nguyện đầu tiên ở Việt Nam nên tôi rất hứng thú. Việc tôi làm khá đơn giản có nghĩa là nhận toa của bác sỹ rồi phân phối thuốc theo toa. Một tiếng đầu tôi cần các cô dược sỹ trẻ hướng dẫn để quen mặt thuốc . Những giờ sau các bác sỹ ngạc nhiên vì tôi chọn thuốc khá thành thạo như một dược sỹ…Mỗi nơi đoàn phải đến 2 lần cách nhau một tháng để tái khám, xem xét và theo dõi bệnh tình có suy giảm chăng. Sau 12 giờ trưa thì đã hết bệnh nhân chúng tôi từ giả phái đoàn để tiếp tục hành trình về Cao lảnh huyện Mỹ An thăm Nguyễn Văn Hai, bạn đồng môn đã hơn 40 năm mới có dịp gặp lại. Mỹ An chỉ cách Sa Đéc hơn 40 cây số nhưng vì đường xá gồ ghề, trùng tu xe cộ đi chậm lại và mất hơn một giờ, chưa kể xe phải chạy trên bờ đê thật nguy hiểm. Nếu là một người bạn thường chắc chúng tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Găp đươc Hai và gia đình hai con trẻ 5 và 8 tuổi. Hai dọn về đây sau năm 76 và sống bằng nghề giáo viên. Hai về hưu non đã hơn hai năm, chồng làm ruộng và bà xã nấu rượu để sinh sống. Coi như Hai an phận cuộc sống bình dị. Cầu chúc Hai và gia đình được nhiều sức khỏe và may mắn. Trên đường trở về Sài gòn chúng không quên ghé lại khu sinh thái Gáo Giồng để thử món chuột đồng và cơm huyết rồng rất ngon.  Đường đi thật gian lao vì quá hẹp mà trời lại mưa dầm dề càng khó di chuyển. Tuy nhiên hai bên đường là nhà quê với đồng ruộng xanh bao la và bát ngát…Trông như tấm thảm xanh vờn đẹp mắt…
Ngày hôm sau chúng tôi trực chỉ chùa Sùng Đức ở Thủ Đức để làm lễ Thượng Thọ cho mẹ và sau đây là bài viết mà anh em chúng tôi thảo ra để đọc trước mặt đầy đủ anh em bà con quyến thuộc và bạn bè. Xin trích dẫn một đoạn:
Mẹ yêu thương. Chỉ còn năm ngày nữa là tết đến, mọi người ai cũng bận rộn, lo toan để đón mùa xuân mới. Riêng chúng con - những đứa con của mẹ - xếp lại mọi lo toan đời thường, hân hoan chào đón mùa xuân của riêng mình vào những ngày cuối đông giá lạnh, đó là ngày mừng thọ mẹ tròn 80 tuổi.

Mẹ chính là mùa xuân của chúng con. Giờ đây, trong không khí nghiêm trang của ngôi bảo điện, dười sự chứng minh của Thầy trụ trì, quý chư Ni và sự hiện diện của bà con, bạn bè, chúng con xin được có đôi dòng cảm niệm về mẹ. Những lời nói xuất phát từ trái tim, mà từ lâu chúng con chưa nói với mẹ.
Cả cuộc đời của mẹ - tám mươi năm- thì gần như đã hết bảy mươi năm để hy sinh vì người thân. Bà ngọai mất khi mẹ còn rất bé, nhà lại đông anh em, ông ngọai không tục huyền mà sống cảnh gà trống nuôi con. Vì thế, nhà nghèo, lại càng nghèo và gieo neo hơn. Khi vừa đủ lớn , thì mẹ phải san sẻ bớt gánh nặng mưu sinh để nuôi em. Mẹ chính là hình ảnh “ chị tôi “ của nhạc sĩ Trần Tiến.
Rồi mẹ lập gia đình, nhà nghèo lấy chồng gia đình cũng chẳng khá hơn, chỉ có hơn là thêm trách nhiệm và bộn phận: làm vợ và làm mẹ. Năm nhâm thìn, mẹ sinh anh hai vừa được ba ngày tuổi thì lũ lụt trắng xóa đất trời, chỉ có tình thương con vô bờ bến mới đủ sức giúp mẹ đứng vững  trong gía rét bão bùng để che cho đứa con non ngày, non tháng.
Rồi lần lượt muời đứa con ra đời, gặp thời gia đình nghèo khó thì mẹ ven vén, tảo tần nuôi con và cùng ba nuôi lớn tương lai bằng một nghề chân chính, lương thiện. Ba thường tâm niệm:” Chọn một nghề tinh chuyên, cần mẫn, tận tâm, lợi mình, lợi người thì sẽ thành công “. Ba mẹ đã gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng đầy ấp tình thân tiến thủ, trách nhiệm và đạo đức. Đó là bài học vào đời mà ba mẹ đã truyền dạy cho chúng con.
Mẹ là thế! sống hy sinh cả đời. Đối với chồng là người vợ hiền, đảm đang, thủy chung, son sắt. Với con, là người mẹ yêu thương, tận tụy, bao dung. Lúc gia đình khó nghèo, thì mẹ là người:
Cong lưng gánh nổi thương yêu
nặng trên vai mẹ bao điều đắng cai
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẩn gieo neo đi về”.
Đến khi gia đình khá giả thì tâm niệm của mẹ là:
Người trồng cây hạnh ngừơi chơi.
Ta trồng cây đức để đời cho con”.
Mười đứa con của mẹ đã lớn lên, trưởng thành và đủ sức góp mặt với cuộc đời chính nhờ phúc đức của ba mẹ và bàn tay dệt yêu thương của mẹ.
Mẹ ơi! Tiếng gọi từ khi bập bẹ cho đến bây giờ, chúng con vẫn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Mẹ là sự sống, là tình thương, là ngọt bùi, sông nước có đầy vơi nhưng tình mẹ thương con trọn đời không thay đổi. Chúng con thương mẹ vô cùng khi biết rằng, ở quê nhà, mẹ vẫn dõi mắt trông theo những đứa con của mẹ, đứa ở chốn phồn hoa, đứa ở tận xứ người. Thế mới biết:
Mẹ thương con biển hồ lai láng
Tình vẫn sâu dù máu cạn dòng” chứ không phải như “con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” ở bắc Mỹ này...
Nhưng cuộc đời có những điều không như ta mong muốn, ước mơ. Vì mơ ước lớn nhất của chúng con là được sống gần bên mẹ, được ngày ngày nhìn thấy mẹ và được mẹ yêu thương. Đó không phải là bổn phận, không phải là trách nhiệm, mà đó là diễm phúc lớn nhất của cuộc đời chúng con.
vậy mà buồn thay diễm phúc đó chúng con không có được! Mỗi năm chúng con về quê thăm mẹ đưa mẹ lên Sài Gòn với chúng con, số thời gian ấy chỉ đếm trên đôi bàn tay. Chúng con thật có lỗi với mẹ vô cùng.
Ngày hôm nay, chúng con xếp lại mọi lo toan, lên xuống, lợi danh của cuộc đời và trở về bên mẹ, quỳ bên gối mẹ, nâng nêu đôi bàn tay đã từng vỗ về, âu yếm, yêu thương chúng con. Con sẽ nhìn sâu và mắt mẹ, nhìn thật lâu, thật kỹ, để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên chúng con. Con sẽ nói với mẹ rằng- mẹ ơi, mẹ có biết rằng con yêu mẹ nhiều lắm không ?. Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy như thế trong tác phẩm “bông hồng cài áo”. Hôm nay ngày 24 tháng 12 Tân Mão, chúng con đã tận hưởng trọn vẹn giá trị thiêng liêng của tình mẹ bao la mà gần gũi, để thương mẹ và được mẹ thương
Trong giờ phút trang trọng nhưng thắm đẫm yêu thương, tất cả con cháu, dâu rễ cùng quỳ bên chân mẹ, cảm nhận trọn vẹn tình thương của mẹ qua lời phật dạy:
quả đất gọi là nặng
Lòng mẹ nặng hơn nhiều
Chúng con nguyện noi theo gương hiếu hạnh của ngày Mục Kiền Liên, thực hành lời đức phật dạy” Sinh ra thời không gặp phật, thì thờ kính cha mẹ chính là thờ kính chư phật vậy”.
Thế hệ chúng con, tiếp nối thế hệ của hàng hậu duệ con cháu sẽ luôn được thắp sáng trái tim hiếu thuận. Hạnh Hiếu này chúng con luôn ứng dụng, thực hành để mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mẹ được an hưởng tuổi già tong ánh sáng nhiệm mầu của phật pháp, và cũng để nêu gương về một bài học giá trị đạo đức cho hàng con cháu noi theo. Hạnh Hiếu này sẽ mang an lạc, hạnh phúc đến cho mọi người, mỗi gia đình của chúng con, nói riêng và đây cũng là nền tảng đem lại an bình cho quốc gia, xã hội.
Chúng con xin tri ân và lãnh lễ thầy - vị ân sư cao sả- đã cho chúng con được duyên lành ngày hôm nay.
Chúng tôi xin cám ơn quý bà con, thân tộc và bạn bè đã đáp lới mời đến dự lễ mừng thọ mẹ của chúng tôi.
Xin nguyện cầu chư phật mười phương chứng tri tấm lòng của chúng con và gia hộ cho mẹ của chúng con thân khoe mạnh, tâm an lạc để sống hạnh phúc với con cháu. Nếu có một ước nguyện chúng con xin được ước rằng:
ví mà con đổi thời gian được
đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”.
      Ngày hôm sau, thứ năm chúng tôi thuê xe 16 chỗ về núi Sam Châu Đốc cho mẹ đi lễ Bà trước khi trực chỉ về Sóc Trăng. Vì cận tết, nên trên quốc lộ 4 về miền tây tràn ngập đoàn xe Honda lũ lượt lái về quê. Xe hơi thật vất vả chen lấn với đoàn Honda đông như kiến trên xa lộ, một cảnh tượng chưa từng thấy từ xưa đến nay. Tôi có cảm tưởng là tất cả dân Sài thành đều trở về quê ăn tết.
Xe chúng tôi chọn xa lộ cao tốc Sài gòn – Trung lương để tránh đua chen với đoàn Honda ấy. Nghĩ cũng vui lây cho họ. Về quê ăn tết đã đi vào phong tục tập quán của dân miền tây…
        Sau ngã ba Trung lương chúng tôi rẽ tay phải về phía đò Vàm Cống. Đến đây cũng vì quá nhiều lưu lượng xe nên bị kẹt phà gần 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi khởi hành từ Sài gòn lúc 4:30 sáng và đến Châu Đốc hơn 11 giờ mà đoạn đường chỉ dài gần 200 cây số. Sau cuộc hành hương ngắn ngủi chúng quay xe về chợ Châu Đốc để thưởng thức món canh chua cá basa kho tộ nổi tiếng vùng này. Sau buổi ăn trưa chúng tôi trực chỉ lái xe về Sóc Trăng. Đến nơi thì trời đã ngã tối. Vừa ăn tối xong tôi vội vàng gọi điện thoại ngay cho Thạch để lên kế hoạch cho buổi tiểu họp mặt đồng môn khóa 67-74. Thạch liên lạc được gần 20 người trong đó chỉ có Hà là bạn gái và hẹn 11 giờ hôm sau tại hotel Khánh Hưng nằm bên cạnh trường Nữ tỉnh lỵ cũ. Các cô bạn gái như Châu, Xuân và Đào đề bận bịu làm ăn những ngày cận tết nên không đến dự. Tính ra cuối cùng có hơn 15 bạn đến họp nhưng rất thân mật và tự nhiên như những nam sinh thời 17 tuổi dưới mái trường Hoàng Diệu ngày nào.
Ngày hôm sau, chúng tôi dành thời gian đi tảo mộ cha tôi tại Phụng Hiệp để kịp chuẩn bị cho ngày mồng một tết và thăm vài người bà con. Chúng tôi ngừng xe tại chợ Đại Hải để sắm ít nhang đèn, hoa quả để cúng. Sáng chúa nhật sau khi ăn sáng nhẹ với Phi, tôi tản bộ đến trường Hoàng Diệu để chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Tôi trò chuyện ít lâu với cô phó hiệu trưởng rất trẻ - Quách Tố San. Cô trình bày quá trình xây dựng và thành tích học tập của trường. Hiện Sóc Trăng có 3 trường trung học cấp 3 tức lớp 10-11-12 và HD được xếp hạng nhì và có hơn 1.100 học sinh. HD bây giờ được nâng cấp thuộc hàng quốc gia và để được nâng cấp QG các trung học phải hội tập đủ những tiêu chuẩn sau đây:
- Lớp học chứa tối đa 45 học sinh - trước kia vì nhu cầu nên họ cho vào có lớp trên 60 học sinh.
- Đội ngũ giáo sư được tu nghiệp thêm – thực ra tôi chưa đủ thì giờ để bàn cụ thể hơn những điều kiện gì về phẩm chất giáo viên.
- Có phòng lab computer hiện đại và đầy đủ. Tôi có đi tham quan mấy phòng vi tính được đài thọ bởi Phú Mỹ Hưng Sài gòn tương đối khá hiện đại.
- Đã có 1 em dự thi Đường lên đỉnh Olympia và đạt giải nhất - hiện nay HD rất hãnh diện về em học sinh này
Theo cô San, thì các em xong trung học phải trải qua 1 kỳ thi tuyển vào trung học cấp 3. Họ sẽ lấy các em điểm cao nhất cho vào TH chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, sao đó cho vào HD rồi số cuối cùng cho vào Lê Quý Đôn (Lê Lợi cũ). Trường Lê Lợi cũ tức Lasan Khánh Hưng cũ đã bị bán cho 1 tập đoàn tư nhân nên trở thành một trung học tư đầu tiên ở Sóc Trăng - nghe nói các em vào trường trung học tư phải đóng tiền học trên 1 triệu mỗi năm.
Không biết trong tương lai trung học tư này có khá hơn không. Chúng ta chờ xem vậy.

Trên quốc lộ 4 từ Cai Lậy về Sóc Trăng hai bên đường mai nở rộ, bất kể nhà nghèo hay giàu càng làm cho không khí thật là tết…
Đêm 29 giao thừa đường phố Sóc Trăng bị tràn ngập bởi làn sóng người lái xe cũng như thả bộ về sân Bạch Đằng và chung quanh Hồ nước Ngọt để xem bắn pháo bông từ 11:30 đến 12:00. Các tỉnh bắn pháo bông trước 12:00 để dân chúng có thể xem pháo bông Sài gòn lúc 12 giờ đêm trên làn sóng TV.
Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ người con Việt Nam nào, nhắc đến cây mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bánh dày bánh chưng, cây nêu tràng pháo, thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ…
Mùa xuân trong nụ tình xầu.
Trông mai năm cũ vàng màu cố hương…
Sáng mùng một Tết, tại nhà tôi, quần áo chỉnh tề, ngồi chờ đón người khách xông nhà đầu tiên, uống cốc trà ngon, bụng dạ thanh thản, bên cạnh có hoa mai. Có hoa mai thì phải ngắm. Những lúc như thế, tôi thật yên bình. Nhìn ngoài sân, lại cũng hoa mai. Từ thời ông nội, đến thời cha tôi, gia đình tôi đều thích hoa mai. Bây giờ đến tôi cũng thế. Có lẽ sở thích cũng di truyền. Mà thật ra, nói chung, người mình đa số đều thích hoa mai cả. Có thể là di truyền quốc gia cũng nên.
Không biết ai sao, riêng tôi khi nhắc đến hoa mai, hai câu thơ của Cao Bá Quát cứ chạy ùa vào tâm trí, không ngăn cản được, sức sống hai câu thơ ấy cứ mạnh như nhà vô địch:
Đi khắp mười năm tìm kiếm báu
Một đời chỉ lạy có hoa mai
Sau khi tiếp đón vài khách xông nhà đầu tiên tất cả anh em chúng tôi lái xe lên Phụng Hiệp để chúc mừng bà con và lì xì cho con cháu. Chúng tôi không quên đến thắp nhang và đặt đóa hoa trên mộ cha tôi…Rồi sau đó chúng tôi tiếp tục hành trình về Sài gòn cho kịp thưởng thức đường hoa Nguyễn Huệ và triển lảm vườn hoa xuân Tao Đàn. Đến Cái Bè chúng tôi ngừng xe giải lao vào quán Minh Trí để thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho mà chúng tôi đã nghe tiếng nhưng chưa có dịp thưởng thức trọn vẹn. Trong bọn cũng có người gọi món cháo cá rau đắng, một ẩm thực đặc biệt của vùng miền tây.
Mùng hai tết chúng tôi lái 2 xe đi Long Hải thăm N.Dung và dự định  sẽ nghỉ ngơi tại Vũng Tàu tối hôm đó. Đến Long Thành chúng tôi không quên ghé lại chùa Tùng Lâm Trí Đức để thắp vài cây nhang lạy Phật mừng ngày tết. Vừa đến nơi thì N.Dung đã bày biện thức ăn sẳn sàng trên bàn để đãi anh em chúng tôi một bửa nhậu đặc sản của vùng biển thật ngon miệng. Sau đó chúng ngỏ lời mời Dung và con trai đi nghỉ mát ở Vũng Tàu luôn thể.
Trên đường đi Vũng Tàu chúng tôi ghé lại suối nước nóng Bình Châu để viếng thăm cho biết cách luột trứng bằng giếng nước nóng thiên nhiên.
Tối đến chúng tôi đề nghị kéo nhau lên quán Cây Bàng để thưởng thức những đặc sản vùng biển. Năm 1990, tôi có dịp ghé lại quán này để thưởng thức lần đầu tiên. Cũng quán này ngày nay thì hoàn toàn khác hẳn, cũng như đường xá được tráng nhựa chứ không phải như đường đất ngày xưa và lúc nào cũng đông nghẹt người, có lẽ là ngày tết chăng!
Sáng hôm sau, sau bửa ăn sáng chúng tôi phải chia tay N.Dung để lái xe về Sài gòn cho kịp bắt chuyến bay về NaUy của cô em gái vào buổi chiều cùng ngày…

Chuyến về quê vào dịp tết này tạo trong tôi niềm vui vô kể. Chúng tôi có dịp gặp lại hai đồng môn cũ và thầy cô sau 40 năm xa cách như các thầy Nhiều, thầy Thiên, thầy Vịnh, thầy Thọ và các bạn Hai và Dung. Đi đâu cũng thấy dân miền tây vui vẻ đón xuân sang với thân nhân trong tình thân quyến thuộc…

Nguyễn Hồng Phúc
Montréal Canada

Edited by:
Nguyễn Tuyết and
Sư cô Phương – chùa Sùng Đức – Thủ Đức